Ở thời điểm kinh tế Trung Quốc chuẩn bị suy giảm, ông Justin Yifu Lin, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới đang đưa ra dự báo khác biệt về triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Trong bài phát biểu vào tháng 11/2011, ông tuyên bố: “Kinh tế Trung Quốc hoàn toàn có thể tăng trưởng được 8%/năm trong 20 năm tới.” Ngoài ra, ông còn khẳng định trong 2 thập kỷ tới, kinh tế Trung Quốc hoàn toàn có thể có quy mô gấp đôi Mỹ, tính theo ngang giá sức mua.
Quan điểm của ông Li đúng ở chỗ nào? Ông đã đúng khi chỉ ra kinh tế Trung Quốc hiện tương đương với Nhật năm 1951, Hàn Quốc năm 1977 và Đài Loan năm 1975 và trong suốt 2 thập kỷ, nhóm 3 nền kinh tế trên đều có được tốc độ tăng trưởng lần lượt 9,2%; 7,6% và 8,3%. Nói tóm lại, kinh tế Trung Quốc có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Thế nhưng trong bài báo mới nhất trên South China Morning Post, nhà báo Tom Holland nhấn mạnh: “Không cần phải có hiểu biết của một chuyên gia kinh tế tầm cỡ quốc tế mới nhận ra được lỗ hổng trong lập luận của ông.”
Kinh tế Nhật, Hàn Quốc hay Đài Loan đều tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Và ông Holland chỉ ra: “Kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn hơn so với tất cả các nền kinh tế trên và thế giới chẳng có đủ người tiêu dùng để mang lại cho kinh tế Trung Quốc tốc độ tăng trưởng như dự báo của ông Lin.”
Dù theo bất kỳ cách tính toán nào đi nữa, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang đi xuống. Hai thị trường xuất khẩu lớn hiện tại của Trung Quốc, bao gồm Liên minh châu Âu và Mỹ, hiện đang hấp thụ hơn một nửa tổng lượng hàng hóa xuất khẩu, sẽ không hỗ trợ cho tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế còn đầy khó khăn, thị trường mới không đủ lớn để bù lại cho sự thiếu hụt từ 2 thị trường trên.
Trên thực tế, ông Xia Bin, tư vấn viên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiêm chuyên gia nghiên cứu tại hội đồng phát triển thuộc Nhà nước Trung Quốc, khẳng định thương mại năm 2012 cuối cùng có thể gây ra tác động tiêu cực đến GDP Trung Quốc.
Không chỉ có vậy, cả chính quyền trung ương và chuyên gia kinh tế tin rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc vốn có được chủ yếu nhờ xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm nếu tính trong tương quan với GDP. Thặng dư ở mức 10,1% GDP vào năm 2007, đến năm 2010 ở mức 5,2% và đến năm 2012 có thể chỉ còn bằng nửa con số của năm 2010.
Ông Justin Lin đúng khi cho rằng chính phủ Trung Quốc cần giải quyết 3 vấn đề cấp bách bao gồm tăng tiêu dùng nội địa, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ môi trường đang ngày một xuống cấp.
Nhiều năm nay, lãnh đạo kinh tế Trung Quốc đều thừa nhận các vấn đề trên nhưng họ lại theo đuổi những chính sách khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nói tóm lại, khi kinh tế thuận lợi họ cũng không muốn cố gắng giải quyết vấn đề vì vậy nay khi mọi chuyện khó khăn, cũng đừng mong họ sẽ làm gì đó, nhất là ở thời điểm quá trình chuyển giao quyền lực chuẩn bị diễn ra.
Bởi Trung Quốc không thể đẩy mạnh xuất khẩu hay giải quyết được 3 vấn đề trên, chắc chắn Trung Quốc sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, tăng trưởng kinh tế chững lại trước khi một bộ phận dân số trở nên giàu có. Trung Quốc có được tăng trưởng cao, khởi đầu từ một xuất phát điểm thấp, và nay Trung Quốc cần khuyến khích tiêu dùng, cho phép đồng nhân dân tệ biến động tự do, hạn chế bớt quy định đối với thị trường lao động.
Hiện nay, 3 vấn đề mà ông Justin Lin nói đến đang ngày một trở nên tồi tệ hơn bởi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bỏ đi thay đổi cấu trúc cần thiết để đặt nền móng cho nhiều thập kỷ tăng trưởng. Vì vậy, bất chấp những gì mà chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới hy vọng, Trung Quốc khó có thể trở thành Nhật, Hàn Quốc hay Đài Loan tiếp theo. Có thể Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy như Venezuela hay Argentina.
Ông Lin, người đã ví kinh tế nước ông như một con rồng lớn của kinh tế toàn cầu, thể hiện quan điểm tự tin: “Tôi lạc quan rằng chúng ta có thể dự báo trước về một thế kỷ của châu Á nơi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đầy năng động.”
Nhà báo Evan Osnos mỉa mai: “Ông Lin là một nhà ngoại giao giỏi, đặc biệt xét trên phương diện kinh tế Trung Quốc. Việc tung hô một đất nước mà trong suốt 3 thập kỷ qua tăng trưởng được trên 9%/năm cũng hoàn toàn dễ dàng.”
Những ngày tốt đẹp tuy nhiên đã qua, kinh tế Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu tiên của chu kỳ đi xuống kéo dài và nếu ai đó cần đến bằng chứng, ông Lin đơn giản đã để lộ ra điều này khi ông nói đến nhiều chính sách cải tổ mà lãnh đạo của kinh tế Trung Quốc sẽ không thể thực thi.
Theo TTVN