Hơn 6 tỉ đồng không thể… thu hồi
Chúng tôi nhận được đơn tố cáo của bà Hoàng Kiều Trang - một NĐT tại CTCK Artex (cũ), nay là CTCK FLC. Qua xác minh thì được biết, từ cuối tháng 8.2010 đến đầu tháng 9.2010, bà Trang đã 6 lần nộp tiền vào tài khoản mở tại CTCK Artex, với tổng số tiền lên tới 9,66 tỉ đồng. Do thị trường sụt giảm, bà Trang không giao dịch CK mà rút tiền ra khỏi tài khoản. Trong khi số dư tài khoản còn 9,66 tỉ đồng, nhưng bà Trang chỉ mới rút được 3,6 tỉ đồng, số tiền hơn 6 tỉ đồng còn lại không lấy ra được bởi đã bị CTCK Artex phong tỏa. Sao kê tài khoản CK cho thấy, không hề có giao dịch nào trên tài khoản của bà Trang dẫn đến việc “biến mất” hơn 6 tỉ đồng nói trên.
Vụ việc đã được cơ quan công an điều tra xác minh và làm rõ nguyên nhân là do tài khoản của bà Trang đã bị CTCK Artex “phù phép” theo hình thức được phía Artex gọi là “liên thông tài khoản”. Cụ thể của việc “liên thông” này là do nhân viên Phòng dịch vụ CK của Artex là Đặng Thị Mai đã “ký thay” bà Trang, để cùng với bà Tổng GĐ và ông Trưởng phòng dịch vụ CK thực hiện chủ trương được phía CTCK gọi là nghiệp vụ liên thông tài khoản (tức là lấy tiền trong tài khoản của NĐT để giao dịch CK mà chủ tài khoản không biết - PV).
Để làm được việc phong toả tiền trong tài khoản của NĐT, đã có sự đồng loã của cả hệ thống cán bộ, nhân viên trong CTCK Artex. Khi sự việc vỡ lở, xác minh chữ ký cho thấy, chữ ký trên cột đồng ý liên thông tài khoản ký ngày 22.9.2010 không phải là của bà Trang và theo thông báo của cơ quan điều tra, đó là hành vi giả mạo chữ ký của chủ tài khoản. Điều này cũng có nghĩa rằng, tại CTCK Artex đã có sự đồng loã theo cả hệ thống để sử dụng tiền trong tài khoản của NĐT, dẫn đến sự thất thoát tiền của khách hàng đến nay không thu hồi được.
Sau khi có kết luận điều tra, phía Công an Hà Nội đã có văn bản gửi CTCK Artex (ngày 28.9.2011), yêu cầu CTCK Artex tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm của cán bộ, nhân viên có liên quan; chấn chỉnh công tác quản lý. Đồng thời, cơ quan công an cùng yêu cầu CTCK Artex tổ chức làm việc với NĐT để giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp tình hình và uy tín của Cty.
Mặc dù đã có kết luận của cơ quan điều tra, nhưng cho đến nay, khoản tiền hơn 6 tỉ đồng bị phong tỏa của bà Trang vẫn chưa được CTCK Artex giải quyết. Trước khiếu kiện của NĐT gửi UBCK vì bị chiếm đoạt tiền một cách vô cớ nêu trên, trong công văn gửi bà Trang ngày 2.12.2011 của UBCK, Vụ Thanh tra, UBCK cũng chỉ có thể tiếp tục chuyển sự việc này trở lại... cơ quan điều tra.
Những lỗ hổng lớn?
Sự việc của NĐT Trang khiến những NĐT quan tâm phải lo lắng và đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm gây ra vụ việc nêu trên là do cá nhân hay pháp nhân? Trong tình huống đang diễn ra, phía CTCK Artex đang “đổ vấy” trách nhiệm cho các cá nhân gây ra vụ việc để hòng “phủi tay với NĐT.
Ở đây cần xác định rõ mối quan hệ giữa NĐT với CTCK (pháp nhân), và CTCK với nhân viên của mình. Nếu nói rằng, lỗi nêu trên là do cá nhân (nhân viên) gây ra thì cá nhân phải chịu trách nhiệm với NĐT. Đây là lập luận mà phía CTCK Artex nêu ra để chối bỏ trách nhiệm. Nếu lý giải nêu trên được chấp nhận, điều đó sẽ khiến các NĐT cảm thấy không hề được pháp luật bảo vệ khi họ mở tài khoản (thực chất là gửi tiền) tại CTCK. Bởi vì, nếu không phải chỉ là 6 tỉ đồng, nếu số dư tiền gửi lên tới hàng trăm tỉ đồng của các NĐT lớn, mà CTCK vẫn phó mặc trách nhiệm cho nhân viên của mình, thì khi xảy ra vấn đề, liệu nhân viên đó có đủ khả năng khắc phục hậu quả?
Trong trường hợp đưa ra những biện pháp cứng rắn mang tính răn đe đối với nhân viên của CTCK (trong trường hợp này là nhân viên Mai) chỉ là biện pháp mang tính răn đe và hơn thế, bản chất việc xử lý cá nhân sẽ là việc chuyển hóa quan hệ giữa NĐT với CTCK trở thành quan hệ giữa NĐT với cá nhân nhân viên của CTCK. Hệ lụy từ việc chuyển hóa quan hệ đó sẽ là một giải pháp hoán đổi - nhằm trốn tránh trách nhiệm của pháp nhân CTCK Artex và tuyệt đối không phải là biện pháp đảm bảo lợi ích hợp pháp của NĐT cũng như các giải pháp được áp dụng và cam kết với khách hàng khi mở tài khoản giao dịch tại các CTCK. Cần phải nhấn mạnh, đó là lợi ích hoàn toàn hợp pháp.
Mặt khác, để xảy ra việc chiếm dụng tiền vô tội vạ của khách hàng giao dịch CK như vụ việc nêu trên, không thể không nói tới vai trò của CTCK. Bởi một nhân viên không thể thực hiện nghiệp vụ liên thông tài khoản để sử dụng tiền trong tài khoản của khách hàng. Đã vậy, câu chuyện “liên thông tài khoản” có được coi là nghiệp vụ hợp pháp hay không? Chưa bàn tới tính hợp pháp của nghiệp vụ này, thì liệu nếu không có sự chấp thuận của lãnh đạo CTCK, liệu quyết định của một nhân viên trong CTCK có thể hoàn toàn tự mình thực hiện nghiệp vụ như thế?
Theo Báo Lao Động