Xấp xỉ 100 triệu đồng/tháng
Theo một cán bộ cấp trưởng ban Tập đoàn than khoáng sản VN (Vinacomin), mức thu nhập bao gồm cả phụ cấp mà ông nhận được hằng tháng khoảng 15 - 18 triệu đồng. Lương của cấp phó TGĐ đến TGĐ của Vinacomin cao gấp 2 - 3 lần con số này.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ của Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) cho biết thu nhập bình quân tháng của VNPT khoảng 6 triệu đồng/người. Các cấp lãnh đạo VNPT nói chung cao gấp 3 - 4 lần mức này hoặc hơn. Nhưng theo nhiều nguồn tin, lương của lãnh đạo cấp cao nhất của VNPT gấp 10 - 20 lần mức bình quân này.
|
Trên thực tế, mức lương của lãnh đạo các DNNN không bao giờ được công khai. Chẳng hạn, khi trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Vương Thái Dũng, Phó TGĐ Petrolimex, vẫn từ chối cung cấp mức lương mình đang hưởng mà chỉ nói chung chung: “Cứ áp theo quy định lương tôi chỉ hệ số 8,2, không thể đạt nổi mốc 20 triệu đồng/tháng”. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin, lương cấp phó tổng Petrolimex trở lên khó thấp dưới con số 50 triệu đồng/tháng.
Với mức lương nói trên, các lãnh đạo DNNN đang hưởng cao hơn rất nhiều so với quy định. Cụ thể, theo Nghị định 141 của Thủ tướng Chính phủ, với công ty mẹ do nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong tập đoàn kinh tế, chủ tịch HĐQT, chủ tịch chuyên trách Hội đồng thành viên được hưởng hệ số mức lương chức vụ là 8,8 - 9,1; TGĐ: 8,5 - 8,8; thành viên chuyên trách HĐQT/Hội đồng thành viên và phó TGĐ là 7,9 - 8,2.
Theo hệ số này, mức cao nhất tính ra cũng chỉ 7,5 triệu đồng/tháng chưa tính phụ cấp, hệ số tăng thêm, thưởng... Nhưng theo thông tin được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra ở một hội nghị mới đây, tiền lương bình quân thành viên HĐQT, TGĐ, giám đốc tại 36 công ty mẹ của các tập đoàn, DNNN khoảng 30 triệu đồng/tháng; nhóm lợi thế (trong đó có nhiều cái tên thua lỗ như Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tổng công ty hàng hải VN...) khoảng 40 triệu đồng/tháng. Nhiều DN sẵn sàng chi trả lương lãnh đạo lên tới 70 - 80 triệu đồng/tháng, trong khi khung quy định của nhà nước chỉ tối đa 50 triệu đồng.
"Núp" vào lương công nhân
Có nhiều "chiêu" đẩy tiền lương lãnh đạo DNNN lên cao. Phổ biến là nhập chung vào quỹ lương của người lao động. Theo quy định của Chính phủ, quỹ tiền lương của HĐQT, ban giám đốc không được tính trong đơn giá tiền lương của DN. Thế nhưng ở hầu hết các DN, lương chi trả cho ban lãnh đạo từ HĐQT tới ban giám đốc được gộp chung trong quỹ lương công ty, và hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.
Còn theo Bộ LĐ-TB-XH, bình quân các DNNN khối lợi thế lương cao gấp 3,35 lần so với nhóm không lợi thế do áp dụng hệ số điều chỉnh lương tối thiểu ở mức tối đa, hoặc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh thấp hơn so với khả năng thực tế hay nâng hệ số cấp bậc công việc.
Đây là lý do lương bình quân khối này năm 2008 mới chỉ là 5,9 triệu đồng/người/tháng, năm 2010 đã là 7,64 triệu đồng/người/tháng, và quỹ tiền lương chung của DN cũng “phình” lên tương ứng. Điều đáng nói là, dù quỹ lương "phình" to nhưng tiền lương của người lao động không "phình" theo tương ứng do chỉ được điều chỉnh theo mức tăng của chỉ tiêu kinh doanh. Phần "phình" ra của quỹ lương chung dồn chủ yếu cho ban giám đốc, thành viên HĐQT hưởng.
Một chiêu khác đã được Kiểm toán Nhà nước khui ra ở EVN là xây dựng định biên và đơn giá tiền lương cao hơn nhiều thực tế. Cụ thể, hầu hết các đơn vị có số lao động thực tế sử dụng thấp hơn nhiều so với số lao động định biên kế hoạch, cấp bậc bình quân của lao động thực tế tuyển dụng cũng thấp hơn hệ số bình quân kế hoạch. Nói thẳng là, các đơn vị này đã xây dựng quỹ lương cao hơn nhiều thực tế phải chi và phần vượt này được EVN chi trả thêm cho khối văn phòng công ty mẹ và các lãnh đạo của tập đoàn.
Thực ra các “chiêu” này không có gì mới và cũng đã được Kiểm toán Nhà nước khui ra khi kiểm toán Tổng công ty quản lý vốn đầu tư nhà nước SCIC năm 2008. Hồi đó, SCIC xin hệ số cấp bậc và hệ số phụ cấp bình quân là 4,25 (hệ số thực tế đến hết năm 2008 của doanh nghiệp này chỉ là 2,86). Trong công văn xin đơn giá tiền lương, SCIC đưa ra số lao động định biên cần là 180 người, nhưng lao động thực tế đến hết năm 2008 chỉ là 130 người, trong khi theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH, lao động định biên chỉ được cao hơn tối đa 5% lao động thực tế.
Không quản lý được Ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), thừa nhận: “Tất cả định mức, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật của công nhân là do DN quản lý. Hằng năm, DN có trách nhiệm phải rà soát định mức lao động, nếu thấp hơn 5% và cao hơn 15% thì phải điều chỉnh lại hằng quý. Bộ không thể kiểm tra hết. Ngay cả với các DNNN hạng đặc biệt, Bộ cũng chỉ quản lý dựa trên thỏa thuận các chỉ tiêu đơn giá tiền lương mà không nắm được quỹ lương cũng như các mức chia lương cụ thể”. DNNN lỗ cao gấp 12 lần DN ngoài nhà nước Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, DNNN chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng chỉ đóng góp khoảng 37% - 38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả. Còn theo Tổng cục Thống kê, mức lỗ bình quân của một DNNN bị lỗ cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước. |
Theo thanhnien