Để “đừng có tội với cổ đông”

Thứ hai, 26/12/2011, 02:59
Trong tình hình thị trường như hiện nay, hội đồng quản trị, ban lãnh đạo của các công ty cần phải có những hành động thiết thực để đừng "mang tội với cổ đông".


 

Tôi rất tâm đắc với bài viết "Sống chết mặc bay " của tác giả PSG.TS Nguyễn Văn Thanh đăng trên Báo Đầu tư Chứng khoán ngày 23/12/2011. Là người đang công tác tại một công ty niêm yết, tôi xin có vài ý kiến chia sẻ với độc giả của quý báo.

TTCK đã có mức sụt giảm rất lớn trong năm 2011, nhiều cổ phiếu đã giảm giá quá lớn so với giá trị của công ty, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của các cổ đông. Theo tôi, hội đồng quản trị (HĐQT), ban lãnh đạo của các công ty cần phải có những hành động thiết thực để đừng "mang tội với cổ đông", chẳng hạn như mua lại cổ phần từ cổ đông.

Vào thời kỳ thịnh vượng của TTCK, rất nhiều công ty đã phát hành cổ phiếu huy động vốn từ cổ đông với số tiền rất lớn từ giá phát hành cao. Số tiền này đã được doanh nghiệp sử dụng trong thời gian dài với chi phí sử dụng vốn thấp do tỷ lệ cổ tức thấp.

Như vậy, nếu doanh nghiệp có mua lại cổ phần từ cổ đông với giá như hiện nay thì cũng chỉ mới trả lại một phần tiền đã huy động từ cổ đông cho cổ đông. Với mức giá hiện nay, tôi nghĩ, nhà đầu tư, cổ đông cũng rất đau lòng khi phải thực hiện cắt lỗ số vốn mà họ đã góp vào doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp niêm yết thực hiện mua vào một ít, đóng góp một tay vào việc bình ổn giá cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình thì kết quả mang lại sẽ vô cùng to lớn.

HĐQT, ban lãnh đạo doanh nghiệp là người am hiểu về doanh nghiệp hơn bất kỳ người nào khác. Không lẽ, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng thấy rằng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp mình đang thực sự thấp như vậy? Vậy thì, bên cạnh việc tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh cho thật tốt, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có những hành động thiết thực để tạo niềm tin cho thị trường, góp phần bình ổn giá cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình.

Thị trường không thiếu những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, họ có hẳn bộ máy phân tích, đánh giá giá trị và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp đang niêm yết. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với một số đối tác, tôi thấy rằng, họ cũng rất sợ các "đội lái" của TTCK Việt Nam hiện nay.

Chỉ cần biết thông tin họ dự kiến mua vào khoảng 10% vốn của doanh nghiệp (khi họ đã mua được khoảng 3%) là lập tức cổ phiếu đó sẽ tăng trần liên tục, vượt qua giá kỳ vọng đầu tư của họ.

Lúc này, nếu bán ra cổ phiếu thì họ cũng không thể làm được (vì chi phí thẩm định của họ có thể cao hơn nhiều so với số lãi ít ỏi thu được) nhưng cũng không thể mua vào được vì giá đã bị đẩy lên cao. Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" là điều mà họ không bao giờ mong đợi.

Do vậy, dưới góc độ điều hành doanh nghiệp, ban lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn có thể là cầu nối giữa cổ đông đang cần thoái vốn và các nhà đầu tư tổ chức nói trên.

Giải pháp rất đơn giản là doanh nghiệp bỏ tiền ra mua cổ phiếu của cổ đông trước; sau đó tìm kiếm các nhà đầu tư tổ chức để tạo điều kiện cho họ vào làm công tác thẩm định và xác định giá bán cho nhà đầu tư (đương nhiên là theo giá trị thực của công ty); sau khi xác định đầu tư, nhà đầu tư sẽ thực hiện mua từ thị trường với đảm bảo từ doanh nghiệp rằng, nhà đầu tư sẽ mua được một khối lượng đã được xác định với giá trị tối đa đã được xác định.

Làm được việc này, cả ba bên cùng có lợi: cổ đông cần thoái vốn bán được giá tốt; nhà đầu tư mới được đầu tư với giá mà họ mong đợi và doanh nghiệp có thể có được một ít lãi.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn