Chứng khoán điên đảo vì thông tin “sốc”

Thứ hai, 26/12/2011, 03:00
Năm 2011 đã gần qua đi, nhưng những sự kiện nóng bỏng trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khiến nhiều người không thể quên.


 

Kênh đầu tư này liên tục phải đối mặt với các thông tin “sốc” từ nền kinh tế vĩ mô, đẩy các chỉ số tụt giảm thảm hại.

Trong 11 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã huy động được rất nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư. Từ đó, giúp tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi, tạo đà cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả...

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thị trường này lại đang có những dấu hiệu khủng hoảng mạnh, khi các chỉ số liên tục tìm đáy mới. Đặc biệt hơn, niềm tin nhà đầu tư đang ngày càng giảm sút, dòng tiền đổ vào sàn cũng trở nên cạn kiệt, giá trị cổ phiếu theo đó suy giảm nghiêm trọng.

Hãy cùng VnMedia nhìn lại những sự kiện đang tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt thời gian qua.

1 - Tái cấu trúc thị trường chứng khoán

Cụm từ Tái cấu trúc thị trường chứng khoán dường như đã không quá xa lạ đối với tất cả các nhà đầu tư, cũng như bộ phận quản lý thị trường trong năm qua. Bởi vì hiện nay, vấn đề này đang ngày càng trở nên bức thiết, trước sự đi xuống quá sâu của các chỉ số.

Nếu như những năm trước kia, thị trường chứng khoán luôn được coi là một kênh đầu tư “mầu mỡ” cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thì một hai năm trở lại đây nó lại trở nên kém hấp dẫn. Đáng chú ý trong năm 2011, kênh đầu tư này đã thực sự thất bại, khi mà nó liên tục đánh mất sự hứng khởi cũng như niềm tin của giới đầu tư, trước hàng loạt thông tin xấu tác động đến các chỉ số.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 24/2/2011 , Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2011, đưa ra kế hoạch sẽ tập trung triển khai từng bước công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán thông qua việc hoàn thiện hệ thống ở cả thị trường niêm yết, thị trường chưa niêm yết, thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt.

Đến nay, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang xây dựng các phương án tái cấu trúc với các mảng trọng tâm là tái cấu trúc các công ty chứng khoán, tái cấu trúc hàng hóa trên thị trường, tái cấu trúc hai sở giao dịch, tái cấu trúc hệ thống nhà đầu tư.

2 – Cho phép mở nhiều tài khoản, giao dịch cổ phiếu trong ngày

Sau thời gian dài chờ đợi, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán.

Theo đó, kể từ ngày 1/8/2011, các nhà đầu tư có thể mua và bán cổ phiếu trong cùng ngày giao dịch,  tổ chức niêm yết được mua lại cổ phiếu lô lẻ làm cổ phiếu quỹ.

Đồng thời, Thông tư chính thức cho phép thực hiện nghiệp vụ ký quỹ (margin) và giao cho Ủy ban Chứng khoán hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ này và quyết định tỷ lệ margin là bao nhiêu.

Ngoài ra, Thông tư cũng đề cập đến các tài khoản giao dịch ủy quyền, các nội dung liên quan đến biên độ, giao dịch giá, tạm ngừng giao dịch. Trong đó, giao cho hai sở giao dịch chứng khoán có quyền quyết định biên độ giá sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán, đồng thời cho phép Ủy ban Chứng khoán quyền điều chỉnh biên độ trong những trường hợp cần thiết.

3 - Công ty chứng khoán bỏ nghiệp vụ môi giới

Chưa năm nào thị trường chứng khoán Việt Nam lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như năm vừa qua, khiến các công ty đột ngột bỏ chạy khỏi ngành.

Điển hình nhất cho sự kiện này phải kể đến Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long (HNX: KLS ), khi hồi đầu năm đột ngột công bỏ nghiệp vụ môi giới và lưu ký để thay đổi chiến lược kinh doanh. Sự kiện này ngay lập tức gây rúng động thị trường. Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của cổ đông, KLS buộc phải từ bỏ phương án này.

Khác với KLS , Công ty cổ phần Chứng khoán Đông Dương (DDSC) lại chọn giải pháp liên kết với CTCP Chứng khoán KimEng Việt Nam (KEVS) thực hiện nghiệp vụ môi giới và gia tăng các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn đầu tư. Nguyên nhân là do hiện tại công ty chưa tập trung được các nguồn lực vốn mới để mở rộng các dịch vụ hỗ trợ.

3. Xử phạt hành chính vi phạm chứng khoán tăng vọt

Thực hiện những quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong năm qua Ủy ban chứng khoán và 2 Sở giao dịch TP.HCM và Hà Nội đã liên tục công bố các hình thức xử phạt hành chính, về các hoạt động giao dịch nội bộ và thao túng giá chứng khoán, tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật, bị truy cứu hình sự.

Với các hình thức xử phạt trên, trong năm 2011 tổng số tiền xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ước tính đã tăng gấp đôi so với năm 2010. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến việc quyết định xử phạt hành vi thao túng giá cổ phiếu AAA của Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát với số tiền lên tới 1,2 tỷ đồng.

4. Sôi động hoạt động mua bán sáp nhập (M&A)

Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp trong năm qua đã diễn ra sôi động, với nhiều hình thức khác nhau.

Trong đó, đáng chú ý là những thương vụ “thay tên, đổi chủ” như Tập đoàn Xuân Thành mua lại Chứng khoán Vincom; Masan Consumer mua cổ phần chi phối Vinacafe Biên Hòa; Hùng Vương mua cổ phần chi phối Faquimex Bến Tre…

5- Nút thắt tín dụng cho đầu tư chứng khoán

Ngày 1/3/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trong tổng dư nợ: xuống còn 20% vào 30/6/2011 và tiếp tục rút xuống còn 16% vào 31/12/2011.

Động thái này khiến dòng vốn vào thị trường bất động sản và chứng khoán bị thắt chặt, gây khó khăn cho thị trường.

Theo VnMedia

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích