Cắt giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng

Thứ hai, 26/12/2011, 00:13
Từ ngày 1-1-2012, hàng loạt mặt hàng sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện các hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (ATIGA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA).



Từ năm 2012, nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt
A-169-21-12: Năm 2014, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ còn 50%



Biểu thuế ATIGA: bao gồm toàn bộ các mặt hàng Việt Nam đã cam kết cắt giảm trong ATIGA, gồm có 9.368 dòng thuế được phân loại theo cấp độ 8 số và được xây dựng trên cơ sở phù hợp với Danh mục hàng hóa Việt Nam năm 2012. 

Thuế suất ATIGA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết trong ATIGA. Về cơ bản thuế suất năm 2012-2014 bằng với mức thuế suất đã công bố theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BTC ngày 12-6-2008 của Bộ Tài chính về ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT/AFTA giai đoạn 2008-2013.

Tuy nhiên, so với biểu thuế này cũng có một số điểm thay đổi nhất định, trong đó các mặt hàng thuộc các ngành đẩy nhanh hội nhập (PIS) có khoảng 1.600 dòng gồm các mặt hàng: thủy sản, cao su và sản phẩm cao su, dệt may, sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị và sản phẩm y tế, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử.... sẽ giảm thuế xuống mức 0% vào năm 2012 (trong Quyết định số 36/2008/QĐ-BTC ngày 12-6/2008, thuế suất năm 2012 của các mặt hàng này là 5%).

Các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm tiếp tục cắt giảm thuế: có 44 dòng thuế gồm các mặt hàng: thịt gà, chanh bưởi, thóc gạo, thịt hộp được cắt giảm từ các mức 20%-10% xuống 10%-5%.

ATIGA cũng đưa các mặt hàng xăng dầu vào thực hiện cam kết giảm thuế gồm 32 mặt hàng với mức thuế suất theo lộ trình đã được các Bộ trưởng kinh tế ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tháng 8-2010 (trên thực tế thuế suất ATIGA 2012 của các mặt hàng này đều cao hơn thuế suất MFN hiện hành). Mặt hàng ô tô nguyên chiếc và xe máy từ năm 2014 sẽ giảm từ 60% của năm 2013 xuống mức 50%.

Như vậy, Biểu ATIGA sẽ thực hiện giảm thuế  đối với khoảng 1.800 dòng thuế, chiếm khoảng 19% dòng thuế Biểu ban hành. Mức thuế suất bình quân thực hiện năm 2012-2014 giảm dần từ 1,88% năm 2012. xuống 1,77% vào 2013 và 1,69% vào năm 2014. Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế suất ATIGA là hàng hóa phải được nhập khẩu từ các nước ASEAN, có hàm lượng ASEAN từ 40% trở lên và có C/O mẫu D hợp lệ. Hàng hóa được sản xuất tại khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường nội địa, nếu đáp ứng đủ các quy định về xuất xứ và có C/O mẫu D hợp lệ do Bộ Công Thương cấp cũng được hưởng ưu đãi ATIGA. 

Biểu thuế ACFTA: gồm hơn 8.900 dòng thuế trong tổng số 9.558 dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu MFN). Biểu thuế ACFTA cũng được chi tiết đến cấp độ HS 8 số và được xây dựng trên cơ sở phù hợp với Danh mục hàng hóa Việt Nam năm 2012. Khoảng hơn 600 dòng thuế không có trong Biểu ACFTA lần này là các mặt hàng nhạy cảm, năm 2015/2018 mới phải đưa vào cắt giảm, thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng là mức thuế MFN tại thời điểm khai báo tờ khai nhập khẩu.

So với năm 2011, năm 2012 chỉ tiếp tục thực hiện cắt giảm đối với gần 200 dòng thuế, mức cắt giảm khoảng 5-10% so với thuế suất ACFTA của năm 2011. Khoảng hơn 8.700 dòng thuế còn lại vẫn giữ nguyên thuế suất ACFTAcủa năm 2011.

So với thuế suất MFN, có khoảng 3.700 dòng có thuế suất ACFTA 2012 thấp hơn thuế suất MFN, chênh lệch bình quân thuế suất của những dòng này vào khoảng 5% (MFN là 10%, ACFTA là 5%).

Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế ACFTA là hàng hóa phải được nhập khẩu trực tiếp từ các nước ASEAN và Trung Quốc vào Việt Nam, phải thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa ASEAN-Trung Quốc, có C/O mẫu E hợp lệ. Ngoài các điều kiện này, cần lưu ý là trong Biểu ACFTA có cột “nước không được hưởng ưu đãi”.

Theo đó, các mặt hàng có thể hiện tên nước nhập khẩu tại cột này sẽ không được hưởng ưu đãi ACFTA đối với mặt hàng đó khi nhập khẩu từ nước có tên đó, thay vào đó thuế suất áp dụng sẽ là thuế suất MFN tại thời điểm khai tờ khai hàng nhập khẩu.

Có khoảng 400 mặt hàng nếu được nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi ACFTA quy định tại Thông tư số 162/2011/TT-BTC, gồm các mặt hàng: cà phê, tiêu, gạo, khung tranh ảnh, giấy bìa trang trí, tấm phủ sàn bằng giấy hoặc bìa, thùng hộp bằng giấy/bìa, vở - sổ ghi chép, album, nhãn mác, bưu thiếp, một số loại ôtô thiết kế đặc biệt (đông lạnh, xi téc, chở xi măng, chở bùn, thu gom phế thải...).

Biểu thuế AKFTA: gồm hơn 8.200 dòng thuế trên tổng số 9.558 dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu MFN). Biểu thuế AKFTA cũng được chi tiết đến cấp độ HS 8 số và được xây dựng trên cơ sở phù hợp với Danh mục hàng hóa Việt Nam năm 2012.

Hơn 1.300 dòng thuế không có trong biểu là các mặt hàng nhạy cảm, năm 2016/2018 mới phải đưa vào cắt giảm, thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng là thuế suất MFN tại thời điểm khai báo tờ khai hàng nhập khẩu. Về cơ bản, thuế suất AKFTA 2012 bằng với thuế suất AKFFTA 2011, ngoại trừ một số ít dòng thuế có thuế suất thấp hơn do thay đổi danh mục hàng hoá từ HS2007 sang HS2012. So với thuế suất MFN, có khoảng 2.300 dòng có thuế suất AKFTA 2012 thấp hơn thuế suất MFN, chênh lệch bình quân thuế suất của những dòng này vào khoảng 4%(MFN là 10,57%, ACFTA là 6,38%).

Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế AKFTA là  hàng hóa phải được nhập khẩu trực tiếp từ các nước ASEAN và Hàn Quốc vào Việt Nam, phải thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa ASEAN-HànQuốc, có C/O mẫu AK hợp lệ. Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu từ Khu Công nghiệp Khai Thành - Bắc Triều Tiên nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 4 cũng sẽ được hưởng ưu đãi AKFTA.

Tương tự như quy định trong ACFTA, ngoài các điều kiện nêu trên, cần lưu ý là trong Biểu AKFTA cũng có cột “nước không được hưởng ưu đãi”. Theo đó, các mặt hàng có thể hiện tên nước nhập khẩu tại cột này sẽ không được hưởng ưu đãi AKFTA đối với mặt hàng đó khi nhập khẩu từ nước có tên đó, thay vào đó thuế suất áp dụng sẽ là thuế suất MFN tại thời điểm khai tờ khai hàng nhập khẩu.

Có khoảng hơn 600 mặt hàng nếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi AKFTA quy định tại Thông tư số 163/2011/TT-BTC, gồm các mặt hàng: thịt trâu bò tươi/ướp lạnh/đông lạnh, thịt gà, phụ phẩm của thịt (gan, lưỡi), một số loại thủy sản, một số loại rau (nấm, ớt, hành tây, ớt ngọt, ngô ngọt...), một số loại quả (dứa, ổi, chanh, quýt, lê, táo, anh đào...), gạo, bột xay xát, một số loại dầu thực vật, thủy sản đóng hộp, sản phẩm y tế dinh dưỡng, một số loại nước quả ép, sản phẩm từ sâm, sữa đậu nành, sữa tươi tiệt trùng...

Theo Báo Công An

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích