Mua cổ phiếu quỹ như một trào lưu gần đây. Song hàng loạt công ty đăng ký mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ đều trong tình trạng giá cổ phiếu giảm quá nhiều, dưới giá trị sổ sách.
Mua thì “lên”, không mua lại “rớt”
Ngày 22/12, Tổng công ty CP khoan và dịch vụ dầu khí (mã: PVD) đã mua lại 826.950 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ trong vòng 3 tháng, với mục đích bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường và làm nguồn khen thưởng cho cán bộ công nhân viên. Giá cổ phiếu của PVD đến cuối phiên giao dịch ngày 22/12 ở mức 31.400 đồng/cổ phiếu, tiếp tục giảm 1.600 đồng/cổ phiếu.
So với mức khởi điểm 130.000 đồng/cổ phiếu khi niêm yết vào tháng 12/2006, đến nay cổ phiếu này đã mất hơn 75% thị giá. PVD nằm trong hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đăng ký mua lại CP trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Trước đó, ngày 20/12, Công ty CP phân bón và hóa chất Dầu khí (mã: DPM) cùng công bố mua lại 500.000 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ. Giá cổ phiếu của DPM cũng đã mất hơn 75,5% thị giá so với giá khởi điểm niêm yết vào cuối năm 2007, từ 95.000 đồng nay chỉ còn lại 23.300 đồng.
Phong trào mua lại cổ phiếu, đầu tư vào chính mình này không đơn thuần chỉ là tránh thâu tóm, mà thực tế đã giúp giá cổ phiếu của doanh nghiệp bớt rớt giá. Mới đây, Công ty CP tập đoàn thép Tiến Lên (mã: TLH) đăng ký mua lại 800.000 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ (từ 27/12/2011 đến 27/3/2012 ), dù TLH vừa kết thúc đợt mua 2 triệu cổ phiếu quỹ cách đây hơn 1 tháng. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH, cho biết, việc mua lại 800.000 cổ phiếu nhằm mục đích bình ổn giá cổ phiếu, tăng lợi ích cho cổ đông, vì hiện nay, giá cổ phiếu của TLH đã quá rẻ, xuống dưới mệnh giá, chỉ còn 4.900 đồng/cổ phiếu (phiên 23/12).
4 tháng trước, ngày 22/8, sau thông báo mua lại cổ phiếu, giá cổ phiếu của TLH đã bắt đầu tăng lên, từ 6.600 đồng giữa cuối tháng 8 đã tăng lên mức 8.500 đồng giữa đầu tháng 9/2011. Nhưng rồi, giá cổ phiếu của TLH lại rớt xuống dưới 6.000 đồng/cổ phiếu ngay khi TLH kết thúc đợt mua cổ phiếu quỹ vào ngày 22/11 và giá cổ phiếu này theo xu hướng thụt lùi sau đó. “Việc này càng thôi thúc chúng tôi mua lại cổ phiếu”, ông Hà nhấn mạnh.
Tương tự, để cứu giá cổ phiếu, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) từ 15/11 cũng đăng ký mua 100 triệu cổ phiếu quỹ. Và Ngay lập tức, giá cổ phiếu STB từ đầu tháng 12 chỉ 13.700 đồng đến phiên 23/12 đã tăng lên 15.200 đồng/cổ phiếu. Chủ tịch HĐQT STB Đặng Văn Thành khẳng định: “Chúng tôi đang có trên 76.000 cổ đông và HĐQT thống nhất nếu giá cổ phiếu dưới 2 chấm, phản ánh không đúng giá trị sổ sách thì STB sẽ mua lại đến khi giá cổ phiếu trở về đúng giá trị thực”.
Không tốt cho cổ đông
TS. Nguyễn Ngọc Huy, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP HCM, nhận xét, việc mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp niêm yết là hoạt động bình thường và có mặt tích cực là tạo thanh khoản cho thị trường. “Đây cũng là cách doanh nghiệp hạn chế thâu tóm, hạn chế sự rớt giá của cổ phiếu”.
Dẫn trường hợp mua lại 100 triệu cổ phiếu của STB mới đây, TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng vụ phát triển thị trường, UBCKNN, cho rằng, việc mua lại cổ phiếu quỹ bằng giao dịch thỏa thuận sẽ không tốt cho cổ đông. “Dường như việc mua bán cổ phiếu quỹ này đều bị Sacombank chi phối. Khi Sacombank mua vào thì Sacomreal bán ra, rồi Đường Ninh Hòa cũng bán ra…
Đây toàn là những công ty con, những công ty của nhóm người thân, gia đình nhà Chủ tịch HĐQT STB, nên rõ ràng Sacombank sẽ mua được với giá tốt, loại bỏ sự cạnh tranh và loại bỏ giao dịch của cổ đông”. “Muốn thị trường tốt lên, thì việc mua lại cổ phiếu phải thực hiện bằng giao dịch khớp lệnh, chứ thỏa thuận dễ khiến một nhóm trao đổi với giá tốt và khiến thị trường mất tính cạnh tranh”, ông Huy nói.
TS. Nguyễn Sơn cũng cho biết, một số doanh nghiệp công bố mua lại cổ phiếu quỹ nhưng trên thực tế không hề mua hoặc mua rất dè dặt. “Doanh nghiệp công bố rồi để đó, để thị trường nhầm lẫn và giá cổ phiếu theo đó sẽ lên, hoặc công bố mua nhưng thực chất lại bán ra, thị trường không biết đường nào mà lần”. Theo ông Sơn, sắp tới, UBCKNN sẽ chấn chỉnh việc này bằng các quy định chặt chẽ, thông báo mua phải mua, thông báo bán phải bán, không làm rối thị trường.
Theo baodatviet.vn