Nhiều DN niêm yết mất cân đối tài chính

Thứ bảy, 24/12/2011, 01:06
Một nghiên cứu mới nhất với phạm vi khảo sát 162 DN niêm yết cho thấy một kết quả đáng quan ngại về dòng tiền. Đặc biệt, nhiều DN ở mức rủi ro rất cao bởi hệ số nợ gần như tuyệt đối.


Vinaconex đã xuất hiện dấu hiệu mất cân đối tài chính - Ảnh: Hoài Nam

 

Kênh huy động vốn qua TTCK vẫn tắc nghẽn, lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi cơ cấu tài sản của nhiều DN niêm yết trên sàn có tỷ trọng lớn là vay nợ. Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức cho khối DN niêm yết trước thềm năm mới.

Tại ĐHCĐ của Tổng CTCP Vinaconex mới đây, trực tiếp Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) Lại Văn Đạo - đơn vị đại diện phần vốn nhà nước tại DN này, đã yêu cầu Vinaconex thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu DN.

Trong nhiệm kỳ mới, SCIC cử 3 cán bộ của Tổng công ty tham gia HĐQT của Vinaconex thay vì 1 người như trước kia. Một trong những lý do dẫn đến quyết định trên là nỗi lo về sức khỏe tài chính của Vinaconex.

Mặc dù được đánh giá là DN kinh doanh và đầu tư bài bản, nhưng trước những khó khăn từ thị trường, tại Vinaconex đã xuất hiện dấu hiệu mất cân đối tài chính. Cụ thể, hiện tổng tài sản của tổng công ty này đạt trên 17.000 tỷ đồng, song vốn chủ sở hữu chỉ có trên 4.000 tỷ đồng, như vậy trên 3/4 là vay nợ.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, nợ phải trả của Tổng công ty gấp 3 lần vốn chủ, theo báo cáo hợp nhất, con số này là trên 9 lần; khả năng thanh toán ngắn hạn chỉ đạt 0,64 - 0,83 lần. Sử dụng vốn vay quá lớn, đầu tư vượt quá năng lực, trong hệ thống có tới 13 công ty thành viên thua lỗ… đang là thách thức cần giải quyết của Vinaconex.

Một nghiên cứu về cơ cấu vốn và khả năng thanh toán của các DNNN niêm yết trên TTCK do Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện trên tổng số 162 DNNN niêm yết (DNNN niêm yết được xác định là các DN có vốn do Nhà nước sở hữu trên 50%) chỉ ra khá rõ thách thức về vốn của DN.

Trong ngành công nghiệp, trung bình 74% tài sản của các DN được tài trợ bằng nguồn vốn nợ, 26% tài sản còn lại được đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Thống kê cho thấy, khoảng 70 trong 91 DNNN của ngành sản xuất công nghiệp có hệ số nợ trên mức 0,5 lần; trong đó có 35 DNNN có hệ số nợ trên mức trung bình ngành; cá biệt một số DN có hệ số nợ ở mức gần như tuyệt đối như SD8 (0,91); DDM (0,94) hay TLT (0,95). Có thể thấy rõ xu hướng sử dụng nhiều nợ trở nên phổ biến trong các DN.

Một số DN có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt trên cả ngành ngân hàng, vốn là một ngành có tính chất sử dụng vốn nợ là chủ yếu như SD8 (11,66), PVA (13,27), DDM (17,16) và TLT (17,26).

Tại một số DN, trong cơ cấu nguồn vốn, cứ một đồng vốn chủ sở hữu thì có đến trên 10 đồng vốn nợ. Thực tế này dẫn đến khả năng thanh toán nợ không được đảm bảo, rủi ro tài chính của DN hiện ở mức quá cao.

Đáng chú ý, một số DN trong ngành sản xuất xi măng có hệ số thanh toán nhanh dưới 1 lần, đồng nghĩa với việc tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi giá trị các tài sản có tính thanh khoản tốt không đủ để đảm bảo cho các khoản nợ ngắn hạn.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hệ số khả năng thanh toán lãi vay trung bình ngành công nghiệp đạt mức 7,17 lần, thấp hơn 15,2 lần so với mức 108,98 trung bình nhóm DNNN niêm yết. Trong đó, 3 DN có hệ số thanh toán lãi vay âm là PTM, SD3 và SDT, cho thấy tình trạng tài chính đang ở mức nguy hiểm, rủi ro cao.

DN đang buộc phải tìm giải pháp để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại. Ở góc độ chuyên gia, đã tiếp cận khá nhiều với vấn đề sức khỏe tài chính DN, ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam cho rằng, khi đã rơi vào tình thế khó khăn, DN có thể xem xét một số giải pháp cấp bách từ việc rà soát lại luồng tiền tổng thể và đơn lẻ, xác định các dự án có khả năng cải thiện thanh khoản hoặc tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư, xem xét việc chia sẻ, mời gọi đối tác tham gia các dự án tốt…

DN nên đầu tư cho công tác dự báo, xác định các luồng tiền "vào" và "ra" cho từng dự án cũng như cho tổng thể hoạt động kinh doanh của mình. Trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay, việc dự báo nên được thực hiện cho ít nhất 12 tháng tới và cập nhật liên tục cho các kỳ càng nhỏ càng tốt như theo tuần, nửa tháng, một tháng.

Điều này sẽ giúp DN có cái nhìn sát hơn về những khó khăn về luồng tiền họ đang phải đối mặt. Xét về mặt ngắn hạn, DN tạm thời không nên quá chú ý vào các mục tiêu lợi nhuận hoặc doanh thu, mà cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề luồng tiền và thanh khoản. 

 

"Khó thanh khoản nhưng doanh nghiệp khó phá sản"

 

Ông Lê Chí Phúc, Giám đốc Đầu tư Công ty quản lý quỹ SGI Capital

 

 
Tôi cho rằng, những DN trong lĩnh vực xây dựng hoặc sản xuất vật liệu xây dựng, năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn về thanh khoản đối với những đơn vị sử dụng nhiều vốn vay có thể sẽ tăng lên.  

 

DN bất động sản, xây dựng gặp khó ở đầu ra vì không bán được sản phẩm, trong khi tiến độ thanh toán của các dự án đầu tư công cũng bị chậm. Khâu cuối cùng bị chậm, tắc thanh toán thì đương nhiên các khâu nằm trong chuỗi giá trị cũng bị tắc lại, sự chiếm dụng vốn, tắc vốn sẽ diễn ra từ chủ đầu tư, nhà thầu đến các nhà cung cấp dịch vụ, nguyên vật liệu khác. Vì thế, tỷ lệ nợ của các DN nhóm này vốn đã cao, nay có xu hướng bị đẩy lên cao hơn.

 

Thời gian qua, chúng tôi có khảo sát một số DN trong ngành này và thấy rằng, các doanh nghiệp đang tích cực thu hồi nợ. Đây là hành động đúng đắn, bởi có thể, trong vòng 2 đến 4 quý tới, thị trường bất động sản vẫn chưa ấm lên.

 

Đã có tình trạng nhà thầu xây dựng phải chấp nhận thu hồi công nợ bằng chính sản phẩm xây dựng của dự án rồi chấp nhận bán rẻ ra thị trường để có tiền. Để tồn tại, một số DN chấp nhận bán những gì còn thanh khoản đi để thu tiền về, giảm vay nợ.

 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nguy cơ phá sản ở các DN có tỷ lệ vay nợ cao, ngay cả khi lãi vay "ăn" hết vào vốn chủ là không quá lớn. Bởi vì, văn hóa và đặc trưng phá sản của Việt Nam và các nước Á châu khác với phương Tây.

 

Ở các nước phương Tây, khi DN không có khả năng chi trả, họ tự nguyện công bố phá sản hoặc đối tác yêu cầu tòa án buộc phá sản để bảo vệ quyền lợi của NĐT, chủ nợ. Nhưng ở Việt Nam thì khác, nếu DN chậm trả hoặc không có khả năng trả nợ, các chủ nợ sẽ ngồi lại với DN để bàn hướng gỡ.

 

Về hướng ra cho các DN này, tôi nghĩ rằng, các đơn vị có vị thế trong ngành có thể tìm đối tác cùng chuỗi giá trị trong nước hoặc quốc tế để bán lại một phần tài sản, dự án, hoặc mời tham gia cổ đông chiến lược. Đây là cách làm khá hiệu quả, đã được một số DN thực hiện.

 

"Thị trường tốt thì thanh khoản mới được cải thiện"

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán AASC 

 

 
Nhìn chung, hệ số thanh toán của DN ngành xây dựng giảm do không có doanh thu, dẫn đến không có nguồn tiền. Đây là hệ quả của việc nền kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu người tiêu dùng sụt giảm.

 

Trong khi đó, những người đã ký hợp đồng mua có thể không có tiền nộp tiếp, khiến dự án đình trệ. Có trường hợp một dự án đang nộp tiền theo tiến độ, có người nộp tiếp, có người không, đẩy DN vào thế khó trong việc tiếp tục triển khai dự án.

 

DN bất động sản thường đi vay lớn, nên giai đoạn gần đây, chi phí lãi vay tăng cao hơn càng khiến doanh nghiệp khó khăn.

 

Nếu trước đây, người mua thậm chí nộp tiền trước khi dự án được triển khai, DN có thể không cần đến vốn tự có thì nay bán hàng được cũng khó chứ chưa nói gì đến việc yêu cầu khách hàng nộp tiền đúng tiến độ.

 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là việc đa phần các DN bất động sản, nhất là ở khu vực Hà Nội, tập trung chủ yếu vào phân khúc căn hộ cao cấp chứ không phải là căn hộ cho người có thu nhập trung bình. Mà đối với phân khúc trên, nhu cầu chủ yếu là đầu tư để bán lại kiếm lời, không phải để sử dụng. Nếu tập trung vào phân khúc dưới thì nhu cầu của người tiêu dùng sẽ lớn hơn.

 

Và đương nhiên, khó khăn của DN bất động sản sẽ kéo theo khó khăn của các đơn vị như: sản xuất xi măng, gạch đỏ… bán hàng không được mà lãi vay lớn. Nhiều DN thời gian vừa qua đã thu hẹp hoạt động, nên quy mô vốn vay giảm đi, nhưng lãi vay vẫn phát sinh mà không có doanh thu thì thanh khoản khó khăn. DN xây dựng hạ tầng thì đỡ khó khăn hơn, nhưng cũng không nằm ngoài quy luật của nhóm này.

 

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các DN trên không tồn tại được. Quy luật mạnh tồn tại, yếu suy vong là khó tránh khỏi. Đối với nợ DN, quan trọng nhất vẫn là khả năng đàm phán với chủ nợ.


Nếu đàm phán để chủ nợ giãn tiến độ thu hồi thì an toàn, ngược lại, nếu DN gặp khó khăn thanh khoản mà chủ nợ kiện ra tòa yêu cầu phá sản thì cũng phải chịu. Dù vậy, tôi cho rằng, mấu chốt của các vấn đề trên vẫn là đầu ra của thị trường, nếu thị trường ấm lên thì khó khăn của cả chuỗi sẽ được thay đổi.

 

Bùi Sưởng thực hiện

 


Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích