Đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, bỏ nghiệp vụ môi giới, mất thanh khoản và đứng bên bờ vực phá sản… là những khó khăn mà các công ty chứng khoán (CTCK) đang đối diện hiện nay. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần có ngay những giải pháp về tài chính (giảm phí, lệ phí) cũng như hỗ trợ quản trị và đẩy nhanh vấn đề tái cấu trúc ngành để ổn định thị trường.
Mất thanh khoản
Sự kiện Công ty Cổ phần Chứng khoán SME bị Trung tâm Lưu ký đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký mới đây đã cho thấy vấn đề thanh khoản của CTCK có vấn đề.
Lỗi của SME được Trung tâm Lưu ký dẫn ra là do hệ thống thanh toán của công ty gặp nhiều sự cố nên đã có vi phạm về thời gian chuyển tiền vào tài khoản thanh toán. Từ ngữ chuyên môn là vậy nhưng bên ngoài các nhà đầu tư cho rằng bản chất của sự việc là CTCK thiếu tiền, không đảm bảo thanh khoản cho hoạt động mua và bán chứng khoán hằng ngày. Chuyện mất thanh khoản không chỉ dừng lại ở một vài CTCK mà hiện lan tỏa trên diện rộng ở thị trường và thể hiện dưới nhiều hình thức.
Theo thống kê của UBCK thì năm 2011 có đến 68% CTCK thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu… Ảnh: M.THẢO
Mới nhất ngày 19-2, UBCK phạt Công ty Cổ phần Chứng khoán VSM 60 triệu đồng vì đã không thực hiện tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư. Việc này càng làm cho những nghi vấn từ lâu của nhà đầu tư là các CTCK sử dụng không minh bạch tiền gửi của khách hàng.
Bên cạnh tài chính, chuyện thị trường quá xấu cũng khiến nhiều CTCK hoạt động co cụm lại.
Thống kê từ đầu năm đến nay có gần 70 CTCK phải đóng cửa phòng giao dịch hoặc các chi nhánh. Mới nhất, CTCK Đông Dương tuyên bố bỏ nghiệp vụ môi giới, chuyển hết khách hàng cho CTCK Kim Eng và thu hẹp quy mô hoạt động.
Hỗ trợ CTCK
TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc UBCK, cho biết các CTCK hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, thử thách.
“Theo tôi biết, hiện có CTCK hoạt động thu không đủ tiền trả phí cho trung tâm lưu ký” - ông Sơn nói.
Mức độ khốc liệt của thị trường căng đến độ trong một cuộc hội thảo giữa tháng 12, khi nghe có một CTCK thông báo lãi, dù mức lãi tượng trưng nhưng các chuyên gia kinh tế, quan chức thuộc UBCK có mặt nghe xong phát biểu không tin.
Thậm chí thị trường xấu, hình ảnh CTCK bê bết đến nỗi người dân nghĩ kênh chứng khoán đó là chợ cờ bạc bịp. Ông Quách Mạnh Hào, Phó Tổng Giám đốc CTCK Thăng Long, chia sẻ mới đây ông về quê thăm nhà bị các cụ già khuyên bảo nói cháu học hành đàng hoàng sao đi làm cái nghề chứng khoán!?
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng Giám đốc CTCK Sen Vàng, cho biết hiện thị trường khó đến mức các CTCK đang cố cầm cự để hoạt động. Thị trường có cả thảy 105 CTCK, thử xem trong năm 2011 có bao nhiêu công ty hoạt động hiệu quả có lời. Ông Chinh cũng cho biết các CTCK đang đề xuất UBCK nhanh chóng có những giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Có “thuốc” cho chứng khoán
TS Nguyễn Sơn cho biết đề án tái cấu trúc đã xong và UBCK đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Sơn, phải đến đầu tháng 4-2012 mới triển khai các vấn đề của đề án tái cấu trúc CTCK. Đó là tái cấu trúc CTCK, hợp nhất hai sở giao dịch TP.HCM và Hà Nội, tăng cung hàng hóa (cổ phiếu, trái phiếu) và cuối cùng là tạo cầu đầu tư tổ chức (công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư…).
Theo ông Sơn, hiện nay có khoảng 20 CTCK thuộc diện phải cơ cấu lại, có thể rút giấy phép hoạt động, buộc sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình sang công ty đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ… Việc tái cấu trúc các CTCK là vấn đề đã vạch ra trong lộ trình phát triển thị trường của UBCK chứ không phải đợi đến khi các CTCK đứng bên bờ vực phá sản mới đặt ra.
“Theo tôi biết, hiện có CTCK hoạt động thu không đủ tiền trả phí cho trung tâm lưu ký” - TS Nguyễn Sơn nói.
Chứng khoán năm 2011 te tua Thống kê của UBCK cho thấy VN-Index đã giảm 25% so với đầu năm (364,48 điểm). Thanh khoản thị trường thấp, chỉ khoảng 50% so năm 2010. Mặc dù số DN niêm yết tăng (659 công ty) nhưng vốn hóa thị trường suy giảm 32%. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chững lại, giá trị danh mục đạt 7,2 tỉ USD, trong khi các năm trước là 10 tỉ USD. |
Theo Phapluattp.