Đề án Tái cơ cấu ngân hàng do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia soạn thảo đã được trình Chính phủ. Đề án này được xây dựng độc lập với Đề án Tái cấu trúc ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Nội dung của Đề án này hiện chưa được tiết lộ, song theo ông Ngoạn, hệ thống ngân hàng trong tương lai phải được xây dựng dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản.
Thứ nhất, phải đảm bảo được các định chế tài chính hoạt động theo cơ chế thị trường, hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, chấm dứt tư tưởng: ngân hàng không bao giờ phá sản. Trong tương lai, để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh theo chuẩn quốc tế, phải làm cho người dân hiểu ngân hàng là một DN, có thể bị đào thải nếu kinh doanh kém hiệu quả.
Thứ hai, phải xây dựng được hệ thống quy chế để ngăn chặn đầu tư mạo hiểm vượt quá khả năng kiểm soát của từng định chế.
Thứ ba, xây dựng được một quy chuẩn để quản trị DN và yêu cầu mỗi định chế tài chính phải thiết lập một hệ thống quản trị, giám sát rủi ro nội bộ hữu hiệu, có thể tự lường trước và tự xử lý những rủi ro phát sinh trong nội bộ.
Thứ tư, nguyên tắc quan trọng nhất là, phải thiết kế được một hệ thống giám sát tài chính quốc gia đủ mạnh để bảo vệ người gửi tiền. Hệ thống giám sát này phải đủ năng lực giám sát các hoạt động hợp nhất của thị trường ngân hàng, chứng khoán và thị trường bảo hiểm, đủ khả năng để phát hiện sớm, ngăn ngừa các rủi ro chéo phát sinh trên thị trường.
Ông Ngoạn cho rằng, các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay là do sở hữu chéo. Các ngân hàng thành lập các công ty bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, thông qua các công ty này để cho vay. Các công ty bảo hiểm cũng đua nhau thành lập ngân hàng, công ty bảo hiểm. "Vì vậy, một khi thị trường chứng khoán, bất động sản sụp đổ, lập tức rủi ro chéo xuất hiện trong toàn hệ thống", ông Ngoại cảnh báo.
Sở dĩ xảy ra tình trạng trên một phần do Ngân hàng Nhà nước chưa có một hệ thống quy chuẩn an toàn đầy đủ để điều tiết các tổ chức tín dụng. Mặt khác, khâu giám sát còn rất yếu. Sự yếu kém trong giám sát không được quan tâm, xử lý đúng mức nên đã gây ra tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng.
"Nếu việc tái cơ cấu lần này không dựa vào 4 nguyên tắc cơ bản trên, rất có thể chúng ta sẽ còn phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhiều lần", ông Ngoạn nói.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc quá nhiều vào khu vực ngân hàng. Tỷ lệ tiền gửi ngân hàng/GDP của các tổ chức tín dụng ở mức cao (106%), tỷ lệ dư nợ/GDP là 109,94%, trong khi vốn hóa của thị trường chứng khoán/GDP chỉ đạt 34,89%. Một thực trạng đáng lo nữa là rủi ro nhóm, rủi ro chéo, rủi ro liên thông giữa các thị trường bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đang gia tăng.
Liên quan tới chi phí tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, PGS - TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chi phí này sẽ khá lớn. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu việc tái cấu trúc ngân hàng diễn ra sau khủng hoảng, chi phí cho vấn đề này có thể từ 20 đến 50% GDP.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với phương pháp và lộ trình tái cơ cấu ngân hàng đang được đề xuất (kéo dài tới năm 2015), chi phí tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam sẽ không lớn.
Theo Báo Đầu Tư