Lần đầu tiên triển khai hình thức tái cấp vốn trong vòng ba năm nhằm hỗ trợ khu vực đồng euro "thoát hiểm", Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm qua tuyên bố một khoản tiền kỷ lục trị giá hơn 489 tỷ euro (641 tỷ USD) cho 523 ngân hàng khu vực này với lãi suất 1%.
Số tiền này lớn hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế khi ước tính chỉ vào khoảng 293 tỷ euro và vượt mức cho vay trong vòng một năm vào tháng 6.2009 khi "ông lớn" Mỹ Lehman Brothers sụp đổ. Đây cũng là khoản cứu trợ lớn nhất trong suốt 13 năm tồn tại của Eurozone.
Đánh giá về khoản tiền này, chuyên gia tài chính Laurent Fransolet, tập đoàn tài chính Barclays Capital tại London, Anh cho rằng: "ECB chưa hết tiền và có thể đảm bảo tính thanh khoản của các ngân hàng khu vực trong vài năm nữa". Tuy nhiên, chiến lược gia tại BNP Paribas (Paris, Pháp) cho rằng: "Khoản tiền này có thể cho phép ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ nhưng nếu các trái phiếu này vẫn không ổn định thì không thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng này".
Trong khi đó, ngày 20/12, Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch hạ bậc tín nhiệm đối với UniCredit SpA, ngân hàng lớn nhất Italia từ mức A xuống còn A- đối vớí tín nhiệm dài hạn và F1 xuống F2, mức triển vọng tiêu cực đối với tín nhiệm ngắn hạn.
Chủ tịch ECB Mario Draghi công bố khoản cứu trợ kỷ lục. |
Fitch cũng tuyên bố đưa một loạt các ngân hàng châu Âu khác tại Italy, Tây Ban Nha và Pháp vào "tầm ngắn" khi đánh giá triển vọng tiêu cực. Quyết định trên của Fitch được đưa ra sau khi hãng này trước đó cũng hạ mức đánh giá triển vọng mức xếp hạng tín dụng AAA của Pháp từ "ổn định" xuống "tiêu cực" và đưa ra đánh giá tiêu cực về mức xếp hạng tín nhiệm của 6 nước eurozone khác gồm Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Ireland, Slovenia và Cyprus.
Eurozone cũng đón nhận thêm động thái tích cực khác khi Na Uy, quốc gia không nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cho biết cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vay khoảng 7 tỷ euro (9,2 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế châu Âu. "Chúng tôi làm việc này là vì lợi ích của chính mình nhằm khôi phục ổn định của nền kinh tế quốc tế để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà chúng ta hiện đang vị sa lầy", Thủ tướng Jens Stoltenberg hôm 20/12 tuyên bố.
Ngày 20/12, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế thế giới hiện đang trong giai đoạn vô cùng "căng thẳng", chủ yếu do cuộc khủng hoảng lòng tin với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Theo bà Lagarde, các tác động đến thương mại, tài chính và nhiều lĩnh vực khác có thể gây bất ổn cho tình hình thế giới, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế phát triển thực hiện các chính sách có lợi cho giới đầu tư và người tiêu dùng. |
Theo baodatviet