Tâm trạng đó lại còn bị dồn ép bởi áp lực phải “sản xuất” ra các báo cáo tư vấn, nhận định thị trường cho từng phiên giao dịch. Nhà đầu tư cần cẩn trọng những gì, những tin tức tích cực và tiêu cực nào có thể ảnh hưởng đến thị trường, xu hướng thị trường trong ngắn hạn được thể hiện ra sao…
Nhưng với những nhà đầu tư chịu khó theo dõi báo cáo tư vấn, điều mà họ cần nhất vẫn là công ty chứng khoán phải nêu ra được những dự báo có tính thuyết phục về chuyện thị trường sẽ lên hay xuống.
Những cái bẫy trong thị trường giá xuống
Vào năm 2007, tư vấn thị trường nở hoa. Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng mạnh, nhà đầu tư sẵn lòng chấp nhận cả những phân tích kỹ thuật có tính viển vông nhất, chẳng hạn VNI có thể đạt đến 1,800 điểm vào năm 2008.
Tiếp theo làn sóng mở công ty chứng khoán, hoạt động tư vấn cũng được các công ty này đặc biệt chú tâm như một kênh thu hút nhà đầu tư cũ và mới.
Nhưng năm 2008 đã đánh dấu hình ảnh thoái trào đầu tiên của công tác tư vấn. Sang năm 2010, tình hình dĩ nhiên còn tệ hơn. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu hoang mang với tư vấn, một số người không còn tin vào tư vấn, thậm chí có những người quay hẳn lưng với tư vấn kỹ thuật.
Trong nguyên năm 2011, thị trường thế nào thì hẳn ai cũng đã rõ. Điều có thể tổng kết trong năm nay là phần lớn, nếu không muốn nói là đại đa số các công ty chứng khoán đã dự báo sai nhiều hơn đúng.
Và rất dễ nhận thấy là trên những cung đường giằng co trải đều ở mỗi quý của năm 2011, không ít lần một số công ty chứng khoán xác định thị trường đã lập đáy, không chỉ là đáy ngắn hạn mà cả đáy dài hạn.
Cái bẫy lớn nhất được giăng ra vào tháng 6/2011, khi thị trường bất ngờ khởi sắc sau khi đã lao dốc cực mạnh. Một số nhà đầu tư, sau chuỗi ngày thảm thiết kêu gào chỉ còn biết trông chờ vào lời khuyên của tư vấn chứng khoán. Đáp ứng sự khẩn thiết ấy, lời tư vấn đã được đưa ra, gần như khẳng định về chuyện thị trường đang tăng trưởng tốt và dĩ nhiên là nên mua vào.
Lần “hố” thứ hai có đỡ hơn, xảy ra vào tháng 8 - 9/2011. Khi đó thị trường cũng tăng chậm rãi hơn. Kinh nghiệm xương máu tích lũy vào giữa năm đã không còn làm nhà đầu tư quá hưng phấn. Tuy nhiên, tư vấn đã được sinh ra, tất phải có nhu cầu. Vào thời điểm tháng 8, sau khi Ngân hàng nhà nước “thiết quân luật” trần lãi suất huy động 14%/năm, một dòng tiền thận trọng đã rời ngân hàng để tìm đến miền đất hứa mới. Một phần trong dòng tiền đó là những nhà đầu tư mới, chân ướt chân ráo nhảy vào thị trường mà chưa hề biết đến sự đau khổ của chứng khoán là gì.
Một công ty chứng khoán đã khuyên nhà đầu tư chắc như đinh đóng cột: thị trường đã vào vùng đáy, nếu có giảm nữa thì cũng chẳng đáng bao nhiêu. Cơ hội ngàn năm có một, hoặc khiêm tốn hơn là 5-10 năm mới xảy ra một lần. Nhà đầu tư thông minh phải biết nắm bắt kẻo không sẽ vô cùng hối tiếc.
Khá nhiều người đã tỏ ra “thông minh” và lao vào bắt đáy. Kết quả là từ tháng 8 đến cuối năm 2011, gần đúng như công ty chứng khoán kia dự báo, điểm số thị trường chẳng hạ bao nhiêu, thậm chí chỉ số VNI còn giăng ngang.
Nhưng cũng như biết bao tiền lệ đã xảy ra từ cuối năm 2010 đến nay, điểm số giảm ít nhưng giá cổ phiếu lại giảm nhiều hơn hẳn. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng thường có thói quen với nhóm cổ phiếu nhỏ lẻ, không chỉ nhỏ lẻ về cổ phiếu mà còn nhỏ lẻ về tính thanh khoản.
Cũng từ tháng 8 trở đi, giá cổ phiếu tiếp tục sụt giảm như chưa từng bị sụt giảm mạnh trước đó. Những nhà đầu tư mua vào tháng 8 vẫn có “cơ hội” chịu lỗ thêm ít ra 20% nữa. Trong khi đó, lời khuyên cụ thể về đối tượng cổ phiếu cần mua của một vài công ty chứng khoán đã biến nhà đầu tư thành nạn nhân của mức thâm hụt tài sản đến 40-50%.
Cực hình thời đại
Sự khác biệt về quan điểm và cách nhìn giữa các công ty chứng khoán cũng đã trở thành chủ đề tiếu lâm của các nhà đầu tư. Đặc biệt vào những thời điểm thị trường có dấu hiệu “phản ứng kỹ thuật”, hoặc biến động mạnh, chuyện công ty này nói lên, công ty kia nói xuống xảy ra như cơm bữa.
Có những nhà đầu tư đã “táy máy” sơ kết lại những nhận định của công ty chứng khoán trong một chu kỳ nào đó của thị trường, sau đó đưa ra nhận định riêng của mình: công ty này nói phục hồi, công ty kia phán lao dốc, còn công ty khác lại “tích lũy”…, tất cả cứ loạn cả lên! Vậy tốt nhất là không nghe ai hết cho khỏe.
Còn gần đây, hiện tượng mà các nhà đầu tư có thể dễ nhận thấy hơn là số lượng báo cáo tư vấn, nhất là mảng nhận định dự báo của công ty chứng khoán dần ít đi. Hiện tượng này lại diễn ra khá tương đồng với xu thế giảm dần thanh khoản trong thị trường và cả thanh khoản tại các công ty chứng khoán.
“Cơ chế sản xuất” nhận định thị trường đang bước sang một trang mới. Với một số công ty chứng khoán, việc nhận định thị trường vẫn còn giữ như một thói quen không thể thiếu. Nhưng với một nhóm công ty chịu tình cảnh mất thanh khoản, nhận định thị trường còn có ý nghĩa hơn khi nó ít nhất chứng tỏ là họ… không chết.
Thị trường càng “oải”, nhà đầu tư càng mệt mỏi và dễ nổi quạu, thân phận của những nhận định về thị trường lại càng hẩm hiu. Không những không được đón nhận một cách nồng nhiệt hay dửng dưng, nhà đầu tư thua lỗ còn phản ứng một cách đầy tiêu cực với tất cả những gì gọi là tư vấn hay phân tích kỹ thuật.
Bởi thế, điều đang là cực hình đối với nhà đầu tư thì cũng chính là cực hình thời đại cho những người phải hàng ngày vắt óc ra một cái gì có thể có lý để thông tin cho nhà đầu tư.
Theo Vietstock