Cổ phần hóa BIDV: Trái chín già?

Thứ năm, 22/12/2011, 03:26
Sau hơn 3 năm chuẩn bị, trì hoãn, cuối cùng thì vào tháng 12 này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thực hiện cổ phần hóa (IPO). Sau khi bất ngờ với thông tin này, các nhà đầu tư (NĐT) lại tỏ ra phân vân trước cơ hội từng một thời rất được mong mỏi...


 

IPO lúc gian khó

Nhiều NĐT đang đặt câu hỏi vì sao những đợt IPO của NHTM nhà nước lại thường rơi vào giai đoạn TTCK khó khăn? Cụ thể, theo Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, thị trường giai đoạn hiện nay còn khó hơn khi VietinBank (CTG) IPO vào năm 2008.

Khi CTG tiến hành IPO, cũng sẽ có nhiều người tặc lưỡi vì thời điểm không tốt bằng lúc Vietcombank (VCB) chào sàn. Thực ra, ngay cả thời điểm IPO của VCB vào tháng 12/2007, VN Index cũng bắt đầu đuối sức.

Vì thế, sẽ rất khó để “đổ lỗi” cho thời điểm, mà thay vào đó nên nhìn nhận một cách tích cực hơn: thị trường khó nhưng BIDV vẫn đấu giá cho thấy quyết tâm của BIDV cũng như Nhà nước trong việc cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp đầu ngành. Từ đây sẽ tạo ra bước chuyển trong hoạt động kinh doanh, nâng cao minh bạch.

Gần 85 triệu cổ phiếu (CP) BIDV sẽ được bán với giá khởi điểm 18.500 đồng/CP, tương đương khoảng 3% vốn điều lệ. Mục tiêu bán hết sẽ không quan trọng bằng việc bên mua vào là ai, và sẽ được hưởng quyền lợi như thế nào.

Đã có những quan điểm trái chiều nhau về hiệu quả kinh doanh của BIDV, nhưng thiết nghĩ vấn đề “hiệu quả” hay “chưa hiệu quả” vẫn khá mong manh trong khi những điều có thể thấy rõ: BIDV là một tên tuổi lớn, gánh vác nhiều trọng trách cho thị trường tiền tệ quốc gia chứ không chỉ kinh doanh đơn thuần.

IPO BIDV và các DNNN khác sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn (có thể là tốt) cho các nhà đầu tư, sẽ tạo thành một hiệu ứng tích cực lôi kéo nhà đầu tư trở lại với thị trường.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, cũng đã nhìn nhận đúng đắn tác dụng tích cực của IPO không chỉ bó hẹp ở chuyện thu về bao nhiêu tiền cho ngân sách. “Mục tiêu đầu tiên không phải là nhà nước thu tiền về, mà mục tiêu chính là để nâng cao quản trị, cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước qua con đường cổ phần hóa”, ông Hà nói.

Hơn nữa, định giá CP, ngoài chuyện nhìn vào quá khứ cũng phải hướng đến những kỳ vọng tương lai. Như trường hợp của CTG khi tiến hành CPH rồi IPO và niêm yết, NĐT mặc dù kỳ vọng nhưng cũng khó có thể nghĩ đến kết quả kinh doanh khả quan của NH này trong 2 năm vừa qua.

Điểm cộng và điểm trừ

Điểm cộng thứ nhất của BIDV chính là vấn đề minh bạch đã được chú trọng đặc biệt. Trong hai buổi giới thiệu dành cho nhà đầu tư tại Hà Nội và TP.HCM, lãnh đạo BIDV đã trả lời rất thẳng thắn, đi vào trọng tâm các câu hỏi về dư nợ bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai, nợ của Vinashin...

Được biết, BIDV cũng tổ chức riêng một buổi gặp gỡ với các quỹ đầu tư lớn tại TP.HCM để trao đổi cũng như chia sẻ thông tin. Ở đây cũng cần phải nhắc đến nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn thường xuyên nêu ý kiến phải CPH rồi IPO nhiều DN lớn của Nhà nước, nhưng đến khi việc này diễn ra lại có ý kiến dè dặt hoặc cân đo đắt rẻ.

Điểm cộng thứ hai là cam kết của BIDV về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt không thấp hơn lãi suất huy động tiết kiệm bình quân 12 tháng. Lời hứa về cổ tức vốn xuất hiện nhiều trên thị trường, và trường hợp của NĐT có thể tăng thêm kỳ vọng cho những ai tham gia IPO và chấp nhận nắm giữ CP cho đến ngày lên sàn.

Điểm cộng thứ ba nằm ở mức giá khởi điểm 18.500 đồng/CP cho đợt đấu giá, thấp hơn giá khởi điểm của VCB (100.000 đồng/CP) và CTG (20.000 đồng/CP). Theo ông Trần Phương, Trưởng ban Cổ phần hóa BIDV, bất luận giá nào nhưng so sánh tương quan các CP ngân hàng đang niêm yết, đã “ra sau” mà xác định giá tương đồng thì thanh khoản sẽ kém.

Điểm trừ duy nhất của BIDV có lẽ nằm ở yếu tố mang tính “thị trường”. Với những biến động khó lường hiện nay, NĐT mong muốn mua CP có tính thanh khoản cao để có thể bán ra khi nhận thấy không thuận lợi mà điều này chính là yếu điểm của BIDV.

Cam kết chi trả cổ tức của BIDV có thể củng cố niềm tin, nhưng thực tế đối với NĐT nhỏ lẻ nếu tham gia IPO cũng chỉ mong sau đó CP lên sàn càng sớm càng tốt. Và cho đến giờ, thói quen mua CP để hưởng cổ tức lớn hơn lãi suất gửi NH vẫn chỉ là cứu cánh của NĐT trong lúc khó khăn.

So giá khởi điểm của BIDV với giá của CTG và VCB trên thị trường vào cuối tuần vừa qua không có nhiều sự chênh lệch: CTG gần 17.000 đồng/CP, VCB 21.000 đồng/CP. Thanh khoản kém thường được bù đắp bằng giá hấp dẫn, nhưng trong trường hợp này giá thị trường đơn thuần vẫn chưa thấp thật sự.

Nhìn vào thị trường chung, NĐT có thể e dè khi tham gia đấu giá BIDV, nhưng nếu nhìn vào diễn biến của nhóm CP ngân hàng thì sự tự tin có thể quay trở lại. Vì thời gian vừa qua, mặc dù nhiều giai đoạn thị trường khó khăn nhưng CP ngân hàng vẫn tạo được sức hút đối với một số nhóm NĐT.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn