Bao giờ ngân hàng được cho phá sản?

Thứ năm, 22/12/2011, 03:41
Indonesia, Hàn Quốc đã đóng cửa hàng trăm ngân hàng và tổ chức tài chính. Việt Nam cũng làm quyết liệt nhưng ở thời điểm này, để tránh gây sốc, chúng ta không để ngân hàng nào phá sản.


 

Đó là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn, tại Hội thảo quốc tế "Tái cấu trúc Hệ thống ngân hàng - Kinh nghiệm quốc tế và Hàm ý cho Việt Nam" do ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức.

 

Phá sản ngân hàng: Chuyện sẽ bình thường

Tái cấu trúc ngân hàng là quá trình diễn ra thường xuyên, song ở Việt Nam, những rủi ro đe dọa tính thanh khoản của ngân hàng là động lực để đẩy mạnh quá trình này - ông Sammeer Goyal đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), phát biểu tại hội thảo.

Dẫn chứng kinh nghiệm từ các nước, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế, cho rằng, giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1997-1998, các nước trong khu vực như Indonesia đã phá sản 64 ngân hàng (chiếm tỷ lệ 18% tổng số ngân hàng), Hàn Quốc 5 ngân hàng thương mại, 17 ngân hàng bán buôn và hơn 100 tổ chức tài chính (13%), Thái Lan cũng cho đóng cửa 57 công ty tài chính,... chỉ riêng Malaysia là không phá sản ngân hàng nào.

Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, TS. Vũ Viết Ngoạn nhận xét, tái cấu trúc đồng nghĩa với "sự đau đớn", với sự thay đổi lớn về con người, mô hình kinh doanh... Song, vào thời điểm này, Việt Nam không áp dụng giải pháp gây sốc là đóng cửa hay phá sản bất kỳ ngân hàng nào.

"Tái cấu trúc ngân hàng cũng cần quyết liệt, nhưng cách làm của Việt Nam khác với Hàn Quốc. Tái cấu trúc ở Hàn Quốc chỉ diễn ra trong vài tháng và khốc liệt khi phá sản hàng loạt ngân hàng. Việt Nam làm từng bước một và quá trình này diễn ra vài năm tới. Lúc đó, có thể sẽ có ngân hàng bị phá sản vì như thế, các ngân hàng Việt Nam mới lớn mạnh được", ông Ngoạn khẳng định.

Trước nhiều ý kiến cho rằng có nên cho phép các ngân hàng ngoại mua lại một phần vốn các ngân hàng yếu kém, quan điểm của người đứng đầu Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là hiện tại, chưa cần thiết tăng thêm vốn "ngoại" tại các ngân hàng nội. Hệ thống ngân hàng Việt Nam, với quy mô hình tại, đủ khả năng cân đối, cơ cấu lại. Sau này, nếu có thì sẽ là bước hai của quá trình nhằm giúp các ngân hàng cải thiện khả năng quản trị.

Trong số các tổ chức tín dụng, đáng báo động là tình trạng nợ xấu của các tổ chức, công ty cho thuê tài chính, đang ở mức cao nhất và lên tới gần 45,4% (trong khi toàn ngành chỉ 3,11%). Nguyên nhân, theo ông Ngoạn, là các công ty tài chính đang bí bách trong việc tìm ra phương thức hoạt động của riêng mình, dẫn tới tình trạng yếu kém mà Công ty tài chính Agribank là điển hình. Đây cũng là đối tượng cần gấp rút cải tổ.

Liệu có lặp lại sai lầm?

Vấn đề được đặt ra là  tại sao sau 10 năm, Việt Nam lại thực hiện tái cấu trúc ngân hàng, đâu là kinh nghiệm và bài học từ lần tái cấu trúc trước đây để tránh lặp lại các sai lầm?

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn lý giải, Việt Nam đã từng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong tình thế bị động, bởi quá trình sắp xếp lại các ngân hàng thời gian qua là cứ gặp những cú sốc là co lại, rồi bình thường lại phình ra. Tái cấu trúc mà không có chiến lược cụ thể, bị động trước những cú sốc từ bên trong và bên ngoài.

Hiện nay, việc tái cấu trúc là chủ động, về tổng thể (gắn với tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp...) và gắn với mô hình tăng trưởng mới, bền vững và hiệu quả hơn.

TS Vũ Viết Ngoạn nói thêm, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước đây là quá trình thành công khi các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu thông qua một quy chuẩn, quy chế giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta không duy trì được nên sau một thời gian lại phát sinh những rủi ro. Vì thế, lần này, ngoài đề án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng có một đề án độc lập gửi Thủ tướng để giám sát việc thực hiện này.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại, nếu không hoạt động theo quy luật thị trường, cạnh tranh, minh bạch thì sẽ vấp phải những vấn đề trong tương lai. Bởi có giai đoạn, các ngân hàng báo cáo lãi lớn, đùng một cái - theo lời ông Ngoạn - lỗ vốn, klhông cân đối được dòng tiền. Lý do: thông thin không minh bạch, đầy đủ.

Phía cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa có một hệ thống quy chuẩn, an toàn dẫn dắt hoạt động ngân hàng, hoặc có nhưng không áp dụng quyết liệt.

"Hiện nay, để tái cấu trúc ngân hàng, cũng không cần một lượng tài chính quá lớn mà quan trọng là từng bước xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và cần quy trình giám sát, quản lý tốt nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống" - TS. Ngoạn nói.

Đối với Việt Nam, TS. Vũ Viết Ngoạn nhận định, nếu muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng mạnh, chúng ta cũng cần đoạn tuyệt ý tưởng không bảo giờ phá sản ngân hàng; ngăn chặn khả năng đầu tư quá mức định chế; xây dựng quy chuẩn hóa DN, với hệ thống tự kiểm tra nội bộ và thiết kế hệ thống giám sát tài chính quốc gia đủ khả năng phát hiện sớm những rủi ro chéo phát sinh trên thị trường.

Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn