Vào túi cổ đông
Trước hết, theo kết luận của đoàn kiểm tra Bộ Tài chính dựa trên sổ sách của Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex), kể từ 1.1.2011 đến hết tháng 6.2011, DN này bị lỗ hơn 1.800 tỉ đồng, từ 1.7.2011 đến hết 26.8, lãi 130 tỉ đồng, tổng cộng sau 8 tháng lỗ hơn 1.670 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, đoàn kiểm tra đã loại trừ 516 tỉ đồng tiền do công ty (CT) “mẹ” Petrolimex chi hoa hồng vượt định mức cho phép, tổng số lỗ sau 8 tháng còn khoảng hơn 1.100 tỉ đồng. Như Thanh Niên đã thông tin, vấn đề khó hiểu nhất là vì sao DN đang lỗ, lẽ ra phải cố gắng tiết giảm chi phí để giảm giá bán lẻ, lại đi bán hàng thấp hơn giá vốn, vung tay chi hoa hồng cao ngất để lỗ to hơn.
|
Lý giải về hành vi này, đoàn kiểm tra chỉ kết luận vì các DN lao vào cuộc đua tranh, giành giật để giữ thị phần. Nhưng dư luận vẫn rất thắc mắc bởi lẽ một “ông lớn” như Petrolimex, chiếm giữ tới 60% thị phần, có 42 CT thành viên, có hệ thống 2.200 cửa hàng bán lẻ khắp cả nước, vượt trội so với 13 DN khác sao lại phải khổ sở để chạy đua như vậy?
Công ty “mẹ” của Petrolimex chỉ cần giữ 51% cổ phần chi phối tại CT “con”, 49% còn lại thuộc về cổ đông lớn khác trong đó có không ít cổ đông lãnh đạo của CT “mẹ”, lại kiểm soát CT “con” nên rất dễ thực hiện việc chuyển lợi nhuận từ “mẹ” sang “con” |
Hiện tượng này có những dấu hiệu hết sức bất bình thường và vô cùng đáng lo ngại. Đoàn kiểm tra chưa dám kết luận có phải chuyển giá hay không vì còn cần phải tiếp tục kiểm tra làm rõ. Thậm chí, đến lãnh đạo Cục Tài chính DN cũng nói chưa thể hiểu được vì sao Petrolimex bán lỗ như thế để làm gì!
Thực tế bản chất của nó không phải quá khó để nhận thấy. Theo kết luận, liên tiếp trong thời gian dài, giá bán lẻ xăng của Petrolimex cho 42 CT thành viên, hơn 2.200 cửa hàng trực thuộc và hàng loạt các tổng đại lý, đại lý của mình thấp hơn cả giá vốn. Khoản chênh này khoảng hơn 847 tỉ đồng, gián tiếp góp phần khiến CT “mẹ” bị lỗ hơn 1.670 tỉ đồng.
Petrolimex cung xăng ra thị trường theo 2 đường: CT thành viên trong hệ thống và tổng đại lý, đại lý bên ngoài. Petrolimex bán cho các CT thành viên, vì lý do không có thời gian rà soát hết, đoàn kiểm tra xác định giá bán thực tế cho 16 CT cổ phần thấp hơn giá vốn hơn 100 tỉ đồng. Vì sao lại là CT cổ phần, và vì sao lại cố tình đi bán lỗ, theo một chuyên gia, đây là chiêu thức chuyển giá hết sức “sáng tạo” của các cổ đông CT “mẹ” Petrolimex.
Chiêu này được áp dụng như sau: CT “mẹ” thành lập CT “con”, tham gia CT liên kết. Nếu CT “con” hoặc CT liên kết được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, CT “mẹ” sẽ tìm cách chuyển bớt lợi nhuận cho CT “con” thông qua việc bán giá rẻ mạt. “Như vậy lợi nhuận của CT “mẹ” đã được chuyển cho CT “con” để được ưu đãi thuế còn CT “mẹ” thì báo cáo lỗ hoặc lời rất ít để né thuế”, chuyên gia này nói.
Nhưng lợi nhuận của các cổ đông lớn ở trong các CT “con” này mới là điều đáng bàn. Thông thường, CT “mẹ” của Petrolimex chỉ cần giữ 51% cổ phần chi phối tại CT “con”, 49% còn lại thuộc về cổ đông lớn khác trong đó có không ít cổ đông lãnh đạo của CT “mẹ”, lại kiểm soát CT “con” nên rất dễ thực hiện việc chuyển lợi nhuận từ “mẹ” sang “con”.
Khi “con” có lãi, đương nhiên các cổ đông này cũng chia nhau cổ tức, trong khi đó “mẹ” là văn phòng Petrolimex lỗ to, mà lỗ to thì cũng không ai bị thiệt hại gì do thuế thu nhập doanh nghiệp không phải nộp, lợi nhuận đã có trong giá cơ sở, mà lại càng dễ bề đòi tăng giá. Điều này càng được minh chứng rõ hơn, khi đoàn kiểm tra chỉ ra CT “mẹ” Petrolimex đầu tư gần 3.800 tỉ đồng vốn vào các CT “con”, chiếm 35,7% vốn điều lệ. “Đó mới chỉ là vốn của CT “mẹ”, vậy còn các cổ đông khác là người thân quen của các lãnh đạo Petrolimex là bao nhiêu?”, chuyên gia trên đặt câu hỏi.
Không chỉ bán cho các DN thành viên, CT “con” mà đến các đại lý, Petrolimex cũng sẵn sàng bán giá rẻ mạt, thông qua việc chi thù lao đại lý cao ngất, mà theo kết luận, có thời điểm lên tới 1.000 đồng lít xăng/dầu (quy định này ngày trước của Bộ Công thương chỉ 100 - 200 đồng/lít).
TS Bùi Khắc Sơn - Viện Kinh tế chính trị thế giới - ví von: “Nhà nước giao cho tôi bán cái khóa quần 2.000 đồng/chiếc để bình ổn giá. Tôi phải chi hoa hồng cho các đại lý để họ tổ chức mạng lưới bán hàng, nên tôi bán giá 1.000 đồng. Các đại lý lại bán cho người tiêu dùng với giá bình ổn 2.000 đồng/cái. Thế 1.000 đồng kia có phải chi phí hợp lý không, vung tay chi cao lên trời vượt cả chi phí định mức thì tiền đó đi đâu?”.
Tiền đó, theo chuyên gia này chắc chắn đại lý không thể “nuốt” hết, vì trong kinh doanh không có ai “ăn tham” và “ăn” một mình như thế mãi được. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bức xúc đòi làm rõ việc có hay không các DN bắt tay móc ngoặc với các đại lý để chia chác, trong khi đáng lẽ, tiền đó có thể giảm giá bán cho người tiêu dùng, lại chạy vào túi các đại lý, nuôi ông chủ các cửa hàng hay các ông chủ thực sự đằng sau đó “béo mẫm”.
Về việc này, Bộ Tài chính hứa sẽ tiếp tục giám sát và kiểm tra.
Không thể không xử
Chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng, qua rà soát sổ sách, đoàn kiểm tra đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm của các DN xăng dầu lớn. Nhưng điều đáng tiếc nhất, vẫn chưa có bất cứ một biện pháp xử lý nào được đưa ra sau đó.
Bộ Tài chính chỉ có kiến nghị bằng lời yêu cầu DN phải chấn chỉnh. Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - nói rằng không xử DN vì đây chỉ là kiểm tra, sau này có thanh tra kiểm toán mới đưa ra các chế tài. Lời hứa này, người tiêu dùng, xã hội vẫn đang chờ đợi, vì họ đã phải cắn răng chịu đựng suốt một thời gian dài, kể từ 2009 khi giá xăng được thả cho cơ chế thị trường.
Sai phạm của DN đã rõ, sự ích kỷ và thiếu trách nhiệm thì ai cũng nhìn thấy, nhưng căn nguyên của vấn đề cũng phải nói lại cho thật khách quan. TS Phạm Minh Thúy - Viện Kinh tế Tài chính - cho rằng vì chính sách quản lý giá chưa được tốt, phù hợp khi thả xăng cho thị trường đã dẫn tới sự xáo trộn, bất ổn này.
Cụ thể, do chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận bị khống chế ở mức 600 đồng và 300 đồng/lít xăng, dầu nên khi giá xăng dầu thế giới tăng giảm không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của DN. DN có cố gắng tiết giảm chi phí, giảm chi hoa hồng đại lý thì DN lợi nhuận cũng không hơn, không kém.
Bà Phan Thanh Hà, Vụ Tài chính Tiền tệ - Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng trong giá cơ sở, ngoài thuế, phí, giá CIF theo thị trường, còn chi phí và lợi nhuận định mức để đảm bảo cho DN kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, chi phí này dù hợp lý, hay không hợp lý cũng không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vì vậy, nó đã không khuyến khích được kinh doanh thực sự, tức là tính toán để nhập được xăng lúc giá rẻ, còn lúc giá cao thì hạn chế nhập khẩu.
Theo cơ chế giá hiện hành, DN xăng dầu không chịu rủi ro kinh doanh, không cần tiết kiệm chi phí, giá nào cũng nhập khẩu mà không sợ lỗ do người tiêu dùng phải gánh hết.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM: Cần truy trách nhiệm cá nhân Nhận xét về tình trạng "mẹ lỗ, con lãi" của 4 DN xăng dầu, ông Đinh Nam Dinh - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM- bức xúc: "Vậy mà cả một thời gian dài người dân đều không hay biết về thực chất của vấn đề, nhất là những DN vận tải, DN sử dụng nhiều xăng dầu. Mãi đến giờ này chúng tôi mới biết được một thực tế phũ phàng là các DN đầu mối này được nhà nước quá ưu ái, ban phát cho những ưu đãi rất lớn. Cả một quá trình dài giá xăng dầu nhập khẩu có sự chênh lệch lớn với giá thế giới. Đó là khi giá xăng dầu thế giới giảm rất sâu nhưng giá trong nước vẫn không giảm hoặc giảm rất chậm. Thế nhưng, khi giá dầu thế giới vừa mới tăng thì lập tức giá xăng dầu trong nước tăng ngay. Thông qua đợt thanh kiểm tra của Bộ Tài chính vừa qua, người tiêu dùng cũng vui được phần nào. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị nhà nước phải dứt khoát chấm dứt tình trạng bất hợp lý tại 4 công ty này, như: chi hoa hồng quá cao, bộ máy cồng kềnh, đặc biệt là dứt khoát không bù lỗ cho 4 công ty này. Có làm được như vậy thì việc thanh kiểm tra như vừa rồi mới có ý nghĩa. Đặc biệt, những người bảo vệ và ra quyết định về các khoản chi phí không hợp lý phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình!". |
Theo thanhnien