Giá điện: Vị thế độc quyền và nghệ thuật

Thứ năm, 22/12/2011, 00:00
EVN đã thành công khi đạt được việc tăng giá điện bất ngờ, dù cho có những lùm xùm về nợ nần thua lỗ, lương cao mà không đủ sống hay đầu tư ngành ngoài kém hiệu quả. Thậm chí, EVN có thể "được" tự tăng tới 20% giá điện mỗi năm.




 

Thậm chí, EVN có thể "được" tự tăng tới 20% giá điện mỗi năm.

Đúng như lời của thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói hôm họp báo công bố giá thành điện năm 2010 gần đây, chúng ta chỉ biết chuyện tăng giá điện khi có quyết định thực hiện. Tuy nhiên, việc lần đầu tiên EVN là chính chủ thông báo đột ngột tăng giá điện tới 5% và áp dụng ngay cho ngày liền kề hôm sau (20/12/2011) đã khiến dư luận không khỏi bất bình.

Giá điện sẽ tăng đều và mạnh như xăng dầu?

Trước tiên, phải  khẳng định rằng, việc EVN chủ động tăng giá điện thêm 62 đồng, lên mức 1.304 đồng/kWh  là đúng với quy định hiện hành. Theo đà này, mỗi năm, EVN hoàn toàn có thể được tự ý tăng tới 20% giá điện mà không sai luật!

Bởi lẽ, cơ chế giá điện mới hiện nay đang rất thông thoáng.

Quyết định 24 của Thủ tướng cho phép, kể từ ngày 1/6/2011, giá điện sẽ được điều chỉnh tự động theo biến đổi của 3 thông số đầu vào cơ bản gồm giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng các nguồn điện phát được và tỷ giá. Khoảng cách tổi thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng. Nếu giá điện tăng trong phạm vi 5%, EVN chỉ cần thông báo tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là đủ và tất nhiên, có sự xem xét kỹ càng của Bộ Công Thương. Cấp cao nhất là Thủ tướng Chính phủ chỉ can thiệp phê duyệt khi giá điện được đề xuất tăng trên 5%.

Với các bộ Công Thương, Tài chính, cơ chế giá điện trên là một bước đột phá để thực hiện thị trường hóa giá điện. Triết lý của cơ chế này là giá điện cần phản ánh được đầy đủ chi phí đầu vào, đầu vào tăng thì giá bán đầu ra cũng phải tăng và ngược lại. Mục tiêu là nhằm đưa giá điện Việt Nam tiệm cận giá thị trường, ngang bằng khu vực!

Song, chứng kiến EVN "hiện thực hóa" Quyết định 24 theo cách như hiện nay, một dấu hỏi đáng lo ngại đang được đặt ra, liệu người dân, doanh nghiệp tới đây có phải đang đứng trước nguy cơ "làn sóng" tăng giá điện hay không, tựa như bão giá xăng dầu, báo giá thực phẩm hay bão giá thép?

Thứ nhất, cơ chế thông thoáng trên đang cho phép, EVN hoàn toàn có thể được tăng 5% giá điện theo nhịp 3 tháng một lần. Ngày 20/12/2011 là đợt 1 và với các luồng thông tin được công bố trong cả năm nay, EVN hoàn toàn có thể tăng tới 5% giá điện ở lần thứ 2, tức ngày 20/3/2012.

Thứ hai, cơ chế số 24 này đã giao cho EVN một đặc quyền quá lớn, đó là đặc quyền lựa chọn "kỹ thuật" tăng giá điện. Mặc dù lỗ, nợ lớn, nhưng chắc chắn rằng, Tập đoàn này sẽ không vội vã gì để chọn cách xin tăng giá tham lam, một phát ăn ngay, quá 5%. Vì chọn cách này, EVN sẽ lại tự mình làm khó mình, đặt mình vào tình thế  bị Bộ Tài chính phải thẩm định, bị Thủ tướng xem xét và phê duyệt. Trong khi đó, Tập đoàn này hoàn toàn có thể có "cửa" tự tăng giá mà không cần phải xét duyệt chặt chẽ, trình nhiều cấp như vậy.

Thứ ba, các lý do để giá điện sẽ tăng tương tự ở đợt tiếp theo hiện đang được lãnh đạo các Bộ "bảo lãnh". Đó chính là các khoản lỗ khổng lồ của EVN và phương hướng "giải lỗ" bằng việc phân lỗ vào giá bán điện.

Ví dụ như  Bộ Công Thương hôm công bố giá thành điện năm 2010 đã khẳng định, EVN đang có kết quả kinh doanh điện lỗ khoảng 10.516 tỷ đồng năm 2010, chưa kể khoản chênh lệch tỷ giá hơn 17.000 tỷ đồng. Khoản lỗ ước cho năm 2011 cũng trên 35.000 tỷ đồng mà mới đây, cơ quan kiểm toán Nhà nước còn xác định có thể lên tới 40.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá điện mới hiện nay mới bù được có 6.000 tỷ đồng cho EVN.

Chính phủ không bù lỗ giá điện kinh doanh tiêu dùng, sản xuất cho EVN. Do đó trong tương lai gần, giá điện bán lẻ sẽ phải gánh tới hơn 34.000 tỷ đồng lỗ của EVN. Bối cảnh này đã đặt người dân, doanh nghiệp đứng trước một kịch bản dựng sẵn: sắp tới, giá điện sẽ còn tăng mạnh, tăng nhiều!

Đơn cử như kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định, chi phí sản xuất điện hiện nay chưa phản ánh đầy đủ theo giá thị trường, ước tính chênh lệch bù chéo giá than và giá khí là 12.063 tỷ đồng. Nếu tính giá than và giá khí theo giá thị trường thì giá thành điện tăng lên 140,8 đồng/kWh.

Bấy lâu, người dân đã quen với "khẩu hiệu" điện là hàng hóa đặc biệt, giá điện là nhạy cảm nên mọi thông tin giá điện đều được giữ kín. Nhưng giờ, việc tăng giá điện một cách thông thoáng trên đã cho thấy, giá điện sẽ diễn biến như giá xăng dầu, giá thép, giá gạo, nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần thông báo tới người tiêu dùng là xong việc.

Tăng giá: EVN bao giờ thoả mãn?

Ở đợt lần đầu tăng giá điện theo cơ chế mới này, thời điểm EVN chọn áp dụng khá tế nhị và khéo léo. Vì lẽ, cơn sốc giá điện gây áp lực lên lạm phát coi như đã được chuyển sang năm 2012. Bình thường, ngày 20 hàng tháng, Tổng cục Thống kê mới hoàn tất việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng. Cơ sở dữ liệu được "chốt" từ ngày 15 hàng tháng. Do đó, ngày tăng giá điện vào 20/12 sẽ không có ảnh hưởng gì tới chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 cũng như chỉ số lạm phát cả năm 2011. Điều này cũng đồng nghĩa, việc tăng giá điện của EVN trước mắt không làm hỏng mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 18%.

Mọi áp lực hệ lụy tăng giá điện mới bắt đầu thể hiện rõ ở tháng 1-2/2012. Theo thông lệ, đây là chu kỳ chỉ số giá tăng mạnh vì giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng tăng cao, giá cả thực phẩm sẽ leo tháng. Tuy nhiên, dù CPI tháng 1-2 có cao thì cũng chưa đáng lo cho kết quả lạm phát dưới 10% của năm 2012. Vì đây là thời điểm mới đầu năm, Bộ Tài chính và Chính phủ vẫn còn khoảng 10 tháng còn lại để tiếp tục tính toán "lo" kiềm chế tốc độ lạm phát.

Phải nói rằng, chưa năm nào, câu chuyện giá điện lại được lobby một cách mạnh mẽ như vậy. Đây là năm mà giá điện tăng nhận được hàng loạt lời "ủng hộ" của các lãnh đạo bộ ngành.  EVN kêu lỗ  đã đành, các bộ cũng kêu lỗ và nói thay cho EVN về áp lực phải tăng giá cũng nhiều đáng kể.

Đơn cử như đầu năm 2011, sau khi tăng giá điện 15,28%, Bộ Tài chính đã phát ngay thông điệp nói rõ, mức tăng đó là không đủ bù lỗ, mức phải tăng là 62%.

Giữa năm nay, khi họp báo về thị trường điện và quy hoạch điện 7 (giai đoạn 2015-2020) Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định, tăng giá điện là giải pháp duy nhất để gỡ khó cho ngành điện. Từ nay tới năm 2020, giá điện bán lẻ phải tăng lên tới 9-10cent/kWh mới đủ.

Tháng 9 vừa qua, ông Phạm Lê Thanh than thở giá điện lỗ 300 đồng/kWh. Ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công Thương thì trấn an về lo ngại EVN tăng giá bù lỗ rằng: Không phải EVN muốn tăng bao nhiêu cũng được,  vì còn chịu sự giám sát của EVN.

Trả lời Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã trình bày kỹ càng về giá điện. Các thông tin đã được chia sẻ trước như giá thành điện năm 2012 sẽ tăng mức 4,6%. Giá bán lẻ điện sẽ phải cộng thêm 5000 tỷ đồng gồm 1/4 con số lỗ 8.040 tỷ đồng của năm 2011, phân bổ 1/3 chênh lệch về tỷ giá còn lại của năm 2010. Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện còn tính thêm mức tăng của than từ 57-63% của năm ngoái lên mức 72-80%;, đồng thời phân bổ nốt phần điện áp nông thôn khoảng 356 tỷ đồng...

Ngay kỳ họp này, ông Huệ đã hé lỗ, giá điện có thể tăng  ở mức trên 10% và không cao hơn mức tăng 15,6% của năm trước.

Rõ ràng, EVN đang chỉ làm một việc duy nhất là thông báo tăng giá điện. Còn việc vì sao tăng, có hợp lý không thì đã được tất thảy các Bộ giải trình trên các diễn đàn mà lớn nhất, đó là họp Quốc hội và họp báo.

Thế nhưng, câu chuyện về EVN còn có một bức tranh đối lập. Trong khi thông tin giá thành tăng, giá bán thấp, lỗ , nợ lớn được dồn dập tuyên truyền thì các yếu kém của EVN trong quản lý tài chính, đầu tư và quản trị nói chung không hề được  nhắc tới một cách chính thống.

Trên thực tế, thông tin quan trọng nhất là kết quả kiểm toán EVN của cơ quan Kiểm toán Nhà nước lại không được truyền tải trên diễn đàn Quốc hội vừa qua hay tổ chức cuộc họp báo. Mặc dù  đầu tư ngành ngoài kém hiệu quả,  kinh doanh viễn thông thua lỗ, các nhà máy điện chậm tiến độ góp phần làm gia tăng áp lực thiếu điện, EVN không mấy khi bị phê bình công khai như việc bộ trưởng Huệ phê bình Petrolimex báo cáo không bóc tách được lỗ- lãi từng mặt hàng xăng...

Điều đáng lo ngại nhất là đặc quyền về việc tự quyết giá điện đã trao cho EVN trong điều kiện EVN vẫn còn là độc quyền mua bán điện cùng với các yếu kém trên. Đặc biệt là khi, các khoản lỗ kinh doanh điện của EVN chưa được bóc tách giữa nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nhất là khi góc nhìn về mức lương 7,3 triệu đồng mà không đủ sống ở thành thị của lãnh đạo EVN đã khiến cho Tập đoàn này bị mất lòng tin trong dư luận.

Giá điện đang được thị trường hóa ở phần ngọn khi mà phần nguồn, EVN vẫn chưa thực hiện tái cơ cấu, tách các tổng công ty điện lực và công ty mua bán điện ra độc lập.

Liệu rằng, cơ chế giá điện mở cho một Tập đoàn như vậy có hợp lý?

Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn