“Đội ngũ doanh nhân sẽ có vai trò sâu hơn trong hệ thống chính trị”

Thứ tư, 21/12/2011, 04:34
Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.



Cuối tuần qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc tại VCCI lắng nghe ý kiến, tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, chỉ đạo việc thực hiện nghị quyết 09-NQ/TW. Nhân dịp này, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của nghị quyết này trong bối cảnh doanh nhân trong nước đang có những khó khăn lớn trong sản xuất, kinh doanh?

Tôi cho là nghị quyết này có ý nghĩa lịch sử vì đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành một văn kiện như vậy về việc xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân. Đó là một thông điệp, khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế và cả trong hệ thống chính trị, thống nhất nhận thức về vai trò của doanh nhân hiện nay khi thực tế, đây đó, còn có những cách nhìn nhận chưa công bằng, thuận lợi cho giới doanh nhân.

Tôi nghĩ là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải vật lộn với khó khăn để trụ vững, tiếp tục phát triển thì có một nghị quyết thế này sẽ giúp họ tạo niềm tin. Nếu chỉ tính đến lỗ lãi, thì hiện nay, nhiều doanh nhân có thể đóng cửa doanh nghiệp để bảo toàn vốn và tài sản nhưng họ vẫn có trách nhiệm với xã hội, còn niềm tin ở chính sách. Nghị quyết của Bộ Chính trị ra đời vào thời điểm này, càng củng cố niềm tin đó.

Theo ông, những điểm quan trọng nhất mà nghị quyết hướng tới là gì?

Điều dễ thấy đầu tiên là nghị quyết này muốn xác định ở cộng đồng doanh nhân một tinh thần dân tộc, nhân văn, xây dựng được môi trường văn hoá kinh doanh… Cái này cũng không phải xa lạ gì, mà là đòi hỏi của chính nền kinh tế Việt Nam và nó cũng nằm trong xu hướng phát triển kinh doanh chung trên thế giới. Doanh nhân ngày nay không chỉ biết làm để kiếm lợi cho mình mà còn có trách nhiệm cao với xã hội, với bảo vệ môi trường, góp phần vào phát triển bền vững của đất nước.

Một điểm quan trọng khác là nghị quyết khi nói đến doanh nhân đã không phân biệt doanh nhân thuộc thành phần kinh tế nhà nước hay tư nhân mà yêu cầu xác lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Đây là điều rất cần thiết hiện nay khi đâu đó, chúng ta vẫn thấy có những đánh giá, cách nhìn nhận, thậm chí có chính sách chưa công bằng với khu vực kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 09 không phân biệt thành phần kinh tế nhưng trước đó, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã khẳng định: doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có mâu thuẫn gì ở đây không?

Không có gì mâu thuẫn cả. Đó là yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp đang có những lợi thế, được sở hữu các nguồn lực lớn của đất nước, phải có trách nhiệm vươn tới vị trí đó. Vấn đề quan trọng mà nghị quyết 09 nêu, yêu cầu phải xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng và các doanh nghiệp nhà nước phải vươn lên, khẳng định vị trí của mình trong môi trường cạnh tranh bình đẳng đó, chứ không phải giữ vai trò dẫn dắt chủ đạo bằng các chính sách ưu đãi, độc quyền…

Nghị quyết này cũng đặt ra yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, việc triển khai yêu cầu này sẽ phải như thế nào?

Chúng ta đang cần hình thành những doanh nghiệp lớn, mạnh nhưng cũng rất cần phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa. Hiện nay, chúng ta rất thiếu các doanh nghiệp có quy mô vừa – đây là dạng doanh nghiệp vừa năng động, vừa hiệu quả mà chúng ta cần có, nó phải đạt được trình độ quản trị tiên tiến và có trình độ công nghệ cao. Đây là một chiến lược quan trọng của nền kinh tế.

Chúng ta đang có trên 600.000 doanh nghiệp, 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133.000 hợp tác xã và trang trại nhưng có tới khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong khu vực không chính thức không đăng ký. Đây là lực lượng dự bị tiềm năng để phát triển mạnh số lượng doanh nghiệp đăng ký, hoạt động theo luật Doanh nghiệp trong những năm tới. Nhà nước cần có chính sách hợp lý để hỗ trợ cho họ chuyển sang đăng ký hoạt động trong một môi trường minh bạch, hiệu quả hơn.

Năm 2012 là năm các doanh nghiệp sẽ còn rất khó khăn, theo tinh thần của nghị quyết, cần có ngay các chính sách gì?

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghị quyết 11/NQ-CP để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phải về mức một con số để tình hình giá cả, lạm phát, lãi suất trở lại bình thường vào các năm sau. Cộng đồng doanh nhân kỳ vọng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Theo ông, cộng đồng doanh nhân có thể tham gia, đóng vai trò thế nào trong hệ thống chính trị và nghị quyết 09 của Đảng có thừa nhận, yêu cầu tạo điều kiện cho giới doanh nhân có vai trò nhất định trong hệ thống chính trị không?

Những năm qua, việc phát triển Đảng trong khu vực doanh nghiệp đã được đẩy mạnh, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp Đảng. Phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân theo tôi cũng là một yêu cầu thực tế, đáp ứng nguyện vọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nhân được tạo điều kiện tham gia vào các cơ quan của hệ thống chính trị. Hiện nay, Quốc hội khoá XIII đã có 37 đại biểu là doanh nhân. Số đại biểu là doanh nhân ở hội đồng nhân dân các cấp, Đảng bộ doanh nghiệp các tỉnh, thành đông hơn, trong đó có nhiều người là chủ doanh nghiệp tư nhân.

Theo tôi hiểu, trong Đảng không có sự phân biệt, nếu đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn và được tín nhiệm thì hoàn toàn có khả năng được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết 09 của Đảng đã thể hiện sự quan tâm tăng cường sự lãnh đạo Đảng với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân – một lực lượng kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước. Nó cũng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của giới doanh nhân là không chỉ đóng góp, xây dựng, phát triển kinh tế mà còn muốn tham gia sâu rộng hơn vào đời sống chính trị của đất nước.

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn