Gót chân Asin của chứng khoán Việt

Thứ ba, 20/12/2011, 11:29
Những yếu kém của các CTCK ngày càng lộ ra nhiều hơn. Đây được coi là ‘điểm chết’ của TTCK Việt Nam bởi lòng tin bị xói mòn, không chỉ với NĐT mà còn cả DN niêm yết.


Giới quan sát lo ngại danh sách báo động đỏ chưa dừng lại ở hai cái tên SME và Tràng An

 

Trước đây, khi bán được chứng khoán, các CTCK vẫn thường cho khách hàng ứng và rút trước tiền mặt nhưng vài tuần nay, bộ phận môi giới nhiều CTCK phải trực tiếp duyệt lại từng khoản ứng trước.

Lý do dịch vụ tưởng chừng khá đơn giản và an toàn này bỗng phát sinh rủi ro thất thoát tài sản khi ngày càng nhiều CTCK nhỏ bị nghi ngờ đối diện cận kề nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Nếu giao dịch bị hủy, CTCK cho khách hàng ứng trước và rút tiền sẽ chịu thua thiệt đủ đường như trong vụ SME, đã có NĐT  kịp ôm tiền của CTCK ra đi không hẹn ngày trở lại, bỏ mặc chứng khoán bị trả về cho đơn vị cung cấp dịch vụ.


Bức tranh nhỏ

Chưa khi nào khối CTCK lại tự phơi mình ra ánh sáng nhiều vấn đề như năm nay: Đầu năm, Chứng khoán Kim Long ồn ào với dự định chuyển đổi mô hình hoạt động nhưng bất thành. Giữa năm, thị trường chấn động khi lãnh đạo CTCK Hà Thành bỏ trốn để lại khoản tiền thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Gần hết năm, ngoài CTCK SME bị đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ, còn có CTCK Tràng An mất khả năng thanh toán. Giới quan sát lo ngại danh sách báo động đỏ chưa dừng lại ở hai cái tên SME và Tràng An.

Năm 2012 còn chưa tới nhưng viễn cảnh được dự báo không mấy êm ả khi CTCK Đông Dương và CTCK Hà Nội vừa cùng lúc thông báo ngừng nghiệp vụ môi giới. Lo ngại này có lý khi cả năm 2011, đa phần các CTCK phải âm thầm thu hẹp hoạt động. Thông tin thay máu lãnh đạo cao cấp, đóng cửa chi nhánh, sa thải nhân viên... chiếm 2/3 tần suất thông tin công bố.

Điều gì khiến giới chứng khoán nội địa phân hóa, rơi vào trạng thái bị nghi vấn khi một số CTCK nội địa không thể thực hiện được nghiệp vụ tưởng chừng như đơn giản nhất - giữ tiền cho khách hàng để rồi dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán? Ông Woo Young Ki, Giám đốc điều hành CTCK Mirea Asset (MAS) cho rằng, một điểm yếu chết người của đa phần CTCK Việt Nam là không có khái niệm quản trị rủi ro.

Theo ông Woo Young Ki, các "ung nhọt" của CTCK nội địa đã được âm thầm tích tụ một thời gian dài trước đây và không hề được nhận diện đúng mức cho đến khi bùng phát. Vấn đề nghiêm trọng này mới chỉ bắt đầu và sẽ kéo sang năm 2012, không thể khắc phục trong ngày một ngày hai.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC cũng chỉ ra 3 điểm yếu lớn của các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước: "không có nguồn lực tốt cả về tài chính lẫn nhân sự; không coi trọng quản trị DN, đặc biệt là quản trị rủi ro đúng mức và công nghệ ở mức tụt hậu khá xa so với khu vực".

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam bổ sung thêm rằng vấn đề công nghệ của các CTCK trong nước có thể khắc phục nếu có nguồn lực tài chính đủ mạnh. Nhưng một trong các vấn đề lớn của các CTCK nội địa là không có định hướng hay chiến lược phát triển dài hạn thực sự.

Ông Tâm cho rằng, khá nhiều CTCK hiện nay do các cá nhân thành lập nên luôn đứng trước áp lực tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Điều này bắt buộc họ phải kinh doanh mạo hiểm. "Các CTCK có quá nhiều tư duy ngắn hạn ứng phó với các cơ hội ngắn hạn trên thị trường trước đây" ông Tâm nói.

Theo quan điểm của ông Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Đại học Manchester, Anh quốc, yếu huyệt về chiến lược, quản trị hay thậm chí là công nghệ ở các CTCK hiện nay bắt nguồn từ lý do sâu xa là nhân sự chứng khoán.

Theo ông Tuấn, một thách thức chung của thị trường nội địa trước thềm hội nhập là chứng khoán không còn giữ được nhân sự có năng lực. Vài năm trước, khi chứng khoán khởi sắc thì CTCK giành giật người của nhau, còn giờ ngược lại, nhiều người giỏi bỏ chứng khoán mà đi.

Vì thiếu đội ngũ nhân sự am tường chuyên môn, nghiệp vụ nên số CTCK xây dựng được bản sắc, thế mạnh riêng để cạnh tranh sòng phẳng trong mảng môi giới hay tư vấn hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một yếu điểm khác là trước đây, có quá nhiều CTCK do người ngoài ngành thành lập. Vì các cổ đông lớn, HĐQT không "có nghề", hiểu thị trường nên đa phần các CTCK hoạt động không hiệu quả.

Bức tranh lớn

Bên cạnh các lý do chủ quan, các yếu kém của CTCK nội địa cũng chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố khách quan như khó khăn vĩ mô. Các bất ổn này khiến ngoại trừ một thời gian phục hồi ngắn, còn lại xu thế chính của TTCK 4 năm qua vẫn là mải miết đi xuống xác lập các mức đáy mới, khiến 70 - 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng khoán nội địa lâm vào cảnh thua lỗ triền miên.

Ông Tuấn nhận xét, việc khối CTCK và cả ngành quản lý quỹ nội địa bị ghẻ lạnh như hiện nay còn xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là TTCK Việt Nam chưa được định vị, xây dựng như một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế đúng nghĩa. Một thực tế khác là thị trường thiếu vắng các sản phẩm liên kết của ngân hàng và chứng khoán, thiếu sự tồn tại của các sản phẩm chỉ số lẫn các sản phẩm phái sinh.

Vì vậy, xu hướng thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn ngoại và tiền nóng. Điều này khiến viễn cảnh phát triển của các CTCK và công ty quản lý quỹ không bền vững, không thu hút các được đại gia như Goldman Sachs hay UBS tham gia sân chơi…

So với các quốc gia trong khu vực (trừ TTCK Lào mới được thành lập) thì TTCK Việt Nam vẫn còn có quy mô quá nhỏ bé. Vì vậy, NĐT nước ngoài trên thị trường hiện nay chủ yếu vẫn là dạng quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ thành viên quy mô khiêm tốn.

Theo đánh giá của ông Tuấn, nhóm NĐT lớn của châu Âu, Mỹ sẽ còn chưa quan tâm đến TTCK Việt Nam chừng nào các khó khăn vĩ mô vẫn hiển hiện, quy mô thị trường còn khiêm tốn hay các đợt IPO như của Vietcombank, Vietinbank, BIDV, PV Gas còn tiến hành nhỏ giọt như hiện nay. Chỉ các cuộc IPO loại "khủng" của các tập đoàn nhà nước lớn đang hoạt động độc quyền mới có thể kỳ vọng sự xuất hiện của các gương mặt tầm cỡ.

Trong lĩnh vực chứng khoán, sau khi mở cửa hoàn toàn, CTCK có vốn ngoại vẫn chủ yếu từ các quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… và hình thức chính vẫn là hợp tác như trước. Lĩnh vực chứng khoán dự báo sẽ không có sự tăng trưởng đột biến khi bức tranh tổng thể của thị trường tài chính chưa hấp dẫn.

Chuẩn bị gì cho cạnh tranh?

Các đại gia của TTCK nội địa chuẩn bị gì cho cạnh tranh? CTCK Thăng Long và CTCK Sacombank từng thành công trong một giai đoạn ngắn, được coi là biểu tượng và hình mẫu để nhiều CTCK khác học hỏi, nhưng hiện tại, cả hai đang phải chật vật với quá trình tái cơ cấu.

Lá cờ đầu của TTCK là CTCK SSI thì vừa nâng tỷ lệ sở hữu ở một số DN niêm yết biến chúng thành công ty liên kết. Giải pháp kỹ thuật này giúp SSI hạn chế trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, duy trì con số lợi nhuận trên sổ sách ở mức tương đối vào cuối năm nay.

CTCK HSC có sự chuẩn bị tốt nhất khi vừa đưa vào sử dụng trung tâm dữ liệu riêng và năm tới kết nối giao dịch của Công ty tới tận màn hình của các môi giới quốc tế.

Điều không may cho TTCK Việt Nam tại thời điểm hội nhập hoàn toàn tới đây là chưa bao giờ các CTCK nội địa lại lộ rõ "gót chân Asin" đến thế. Vấp phải các áp lực tồn tại trong ngắn hạn, đa phần đơn vị cung cấp dịch vụ chứng khoán không quan tâm hoặc chưa có sự chuẩn bị cho sự kiện chứng khoán hội nhập.

Chỉ có một đốm sáng le lói đến từ ngành quản lý quỹ. Với Thông tư về lập và quản lý quỹ mở vừa được ban hành ngày 16/12, ông Heck Ruitenberg, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investment (Prudential Việt Nam cũ) cho biết, Eastspring Investment sẽ không ngại sự cạnh tranh nào từ các nhân tố mới bởi khi Prudential Plc đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài sản tại 10 quốc gia khác ở châu Á.

Lãnh đạo của Eastspring Investment cho biết, ngay cả trong điều kiện thị trường đi xuống, quỹ này sẽ sớm cho ra đời các sản phẩm phù hợp khi có sự chuẩn bị bấy lâu nay. Tương tự, đại diện của VFM cho biết, trung bình trước đây, thời gian cho ra đời một sản phẩm của Quỹ mất khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, với sản phẩm quỹ mở đầu tiên, VFM có thể chào bán ngay ra thị trường vào đầu năm tới do có chuẩn bị trong cả năm 2011.

Thị trường tài chính sẽ ra sao sau ngày 12/1/2012? Điều này phụ thuộc vào bàn tay vô hình của cơ quan quản lý, tránh cho TTCK nội địa các cú sốc không mong muốn để tự hoàn thiện nền dịch vụ tài chính non trẻ nhưng vẫn đạt được mục tiêu thu hút dòng vốn mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.
 

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích