Ngân hàng BIDV đã liên tiếp hạ lãi suất cho vay với những lĩnh vực và nhóm khách hàng ưu tiên từ trên 20% xuống còn 14,5%.
Khó khăn về vốn
Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tốc độ tăng trưởng sụt giảm cùng với việc thắt chặt tín dụng đã khiến cho phần lớn các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với những khó khăn lớn.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản đang chịu tác động rõ nhất khi nền kinh tế tăng trưởng chậm và tín dụng bị thắt chặt. Chỉ số chứng khoán hai sàn tiếp tục phá đáy cũ trong tuần trước càng khiến cho các công ty chứng khoán (CTCK) lao đao. Nhiều CTCK đã chịu những khoản thua lỗ lớn trong sáu tháng đầu năm như SSI, VND, SME, TAS, v.v. Một số CTCK đang có dấu hiệu yếu kém về thanh khoản như SME và TAS. Còn đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản, không vay được vốn khiến dự án bị triển khai chậm, buộc phải chuyển nhượng và giảm giá bán.
Các khó khăn khi kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng tác động đến hầu hết mọi doanh nghiệp của nền kinh tế. Báo cáo của uỷ ban Kinh tế trích dẫn nguồn từ cơ quan thuế cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2011, có khoảng 30% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất. Thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phải vay vốn với lãi suất cao đã trở thành nỗi lo của hầu hết các doanh nghiệp.
Khó khăn về vốn càng căng thẳng hơn vào cuối năm khi nhiều NHTM đã hết khả năng cho vay vì chạm trần tăng trưởng tín dụng hoặc không đảm bảo nguồn để cho vay. Điều này khiến cho việc tìm cách tháo gỡ các khó khăn ngắn hạn về nguồn vốn trở nên cấp bách.
Còn khả năng tiếp tục cho vay
Hệ thống NHTM hiện đang rơi vào tình trạng người thiếu kẻ thừa. Theo VnEconomy, đến cuối tháng 10.2011, 38/115 tổ chức tín dụng có mức tăng tín dụng vượt 15% và 22 đơn vị trong số đó vượt 20%. Như vậy, những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng đã vượt mức 20%, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ, sẽ phải tập trung vào thu hồi nợ về để đảm bảo đúng tỷ lệ theo quy định của NHNN. Những đơn vị có mức tăng trưởng từ 15 – 20% sẽ phải hạn chế giải ngân cho các khách hàng của mình.
Tuy nhiên, theo thống đốc NHNN, mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống NHTM đến tháng 11.2011 mới chỉ ở mức 10%, dự kiến tăng khoảng 12 – 13% đến cuối năm 2011. Nếu tính cả những khoản đầu tư có bản chất tín dụng thì con số trên có thể lên tới 15% trong năm nay. Điều này cho thấy, còn nhiều NHTM đang có mức tăng trưởng thấp hơn so với trung bình ngành rất nhiều.
Những NHTM này vẫn có thể đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục cho vay ra nền kinh tế. BIDV là một ví dụ. Theo ông Phạm Quang Tùng, phó tổng giám đốc BIDV, đến thời điểm hiện tại (15.12.2011), dư nợ tín dụng của ngân hàng này mới tăng 16,5% so với cuối năm 2010. BIDV đã liên tiếp hạ lãi suất cho vay với những lĩnh vực và nhóm khách hàng ưu tiên từ trên 20% xuống còn 14,5%. Bên cạnh đó, BIDV còn triển khai gói hỗ trợ tín dụng 5.000 tỉ đồng cho một số doanh nghiệp. Lãi suất của gói này có thể chỉ còn 13,5%, thấp hơn cả trần lãi suất huy động.
Điều chỉnh hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng, có thể coi như một biện pháp thí điểm khi NHNN thực hiện phân loại cho vay theo nhóm để điều hành thị trường tiền tệ trong năm 2012. |
Như vậy, một lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp thiếu vốn không vay được là vì dòng tiền khó chảy từ nơi thừa sang nơi thiếu. Nhiều ngân hàng phải hạn chế cho vay do đã chạm mức tăng trưởng tín dụng 20% và tỷ lệ cho vay phi sản xuất 16%. Kênh cho vay trên thị trường liên ngân hàng ít phát huy tác dụng, khi các NHTM lớn giảm hạn mức cho vay hoặc yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn có nguồn vốn tốt đảm bảo khả năng tiếp tục cho vay nhờ việc quản lý nguồn vốn tốt, thu được nguồn tiền mới từ giảm cho vay liên ngân hàng và từ các nguồn tiền gửi uỷ thác. Nhiều khả năng những NHTM lớn, có nguồn tiền tốt, có khả năng kiểm soát nợ xấu và thanh khoản sẽ được cho phép nới mức tăng trưởng tín dụng.
Làm mềm chính sách tiền tệ
Đây là một bước đi kịp thời giúp cho nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Nếu các NHTM lớn có thanh khoản tốt được phép mở rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng thì đồng nghĩa quy mô khách hàng sẽ được mở rộng và chọn lọc tốt hơn, tạo cơ hội phát triển của ngân hàng trong dài hạn. Các ngân hàng nhỏ có thanh khoản kém sẽ tiếp tục sự cạnh tranh khốc liệt từ các ngân hàng thương mại lớn. Động thái này không được xem là tín hiệu nới lỏng tiền tệ vì hai nguyên nhân:
Thứ nhất, NHNN chưa có sự thay đổi về cung tiền rõ rệt mà chỉ điều hoà dòng tiền trên thị trường liên ngân hàng đang bị nghẽn tắc do các NHTM hạn chế cho nhau vay. Các NHTM thừa vốn có thể tiếp tục trực tiếp cho khách hàng vay vốn, lựa chọn mở rộng khách hàng thay vì cho các NHTM kém an toàn vay trên thị trường liên ngân hàng.
Thứ hai, dù có nới hạn mức cho vay ra với một số ngân hàng thì tín dụng dự kiến cũng không thể tăng quá lớn. Tín dụng cả năm 2011, nếu tính cả các hình thức đầu tư có tính chất tín dụng, dự kiến cũng chỉ ở mức 15%, vẫn nằm trong mức mục tiêu 20% mà NHNN đề ra. Thời điểm từ nay đến cuối năm cũng không còn dài để các NHTM đẩy mạnh cho vay trong khi áp lực về đảm bảo thanh khoản vẫn đang rất lớn.
Có thể nhìn nhận rằng, điều chỉnh hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng có thể coi như một biện pháp thí điểm khi NHNN thực hiện phân loại cho vay theo nhóm để điều hành thị trường tiền tệ trong năm 2012. Những ngân hàng tốt, đặc biệt là nằm trong nhóm G12 sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các NHTM có hoạt động kém hơn. Như vậy, mục tiêu chung là giới hạn tăng trưởng tín dụng 15 – 17% có thể đạt được nhưng sẽ không đánh đồng tất cả các NHTM với nhau giúp cho dòng vốn ngân hàng được luân chuyển hiệu quả hơn.
Theo SGTT