Chứng khoán: Một năm thất bại toàn diện

Thứ ba, 20/12/2011, 00:43
TTCK đã trải qua một năm thất bại toàn diện. Có quá nhiều câu hỏi "vì sao" đối với UB CKNN - những câu hỏi mà cho đến lúc này đã trở nên quá muộn, nhưng xét theo kỳ vọng "phát triển bền vững" thì muộn vẫn còn hơn là không hỏi gì hết.


 

Năm của "phân hóa giàu nghèo"
 
Nếu chỉ liệt kê theo từng sự việc đơn lẻ, sẽ khó có thể thấy khung cảnh toàn diện mà thị trường chứng khoán (TTCK), một cách vô tình hoặc hữu ý, đã vừa đóng vai trò chủ thể nhưng cũng lại là nạn nhân trong năm 2011.
 
Nhưng cũng như lịch sử của những năm trước, vào cuối năm nay, khi hệ thống lại những sự kiện nổi bật xảy ra trên TTCK, nhà đầu tư mới chợt nhận ra một tình cảnh vô lý đến mức khó tả dường như đã được áp đặt vào thị trường này, không khác gì số mệnh đen bạc của nó.
 
Một năm thất bại toàn diện của thị trường!
 
Nhưng hình ảnh thất bại xét ra còn đậm đà hơn nhiều nếu so với năm 2010. Vào tháng 12/2009, chỉ số HNX còn giữ được ở vùng điểm 180. Một năm sau đó, vùng điểm này bị "đá" xuống còn 120 điểm.
 
Đến tháng 12 năm 2011, HNX không chỉ đã rơi thẳng dưới mốc 100 điểm mà thực tế chỉ còn đúng 50% giá trị của một năm trước đó.
 
Nhưng tại sao cứ phải lấy HNX như một thước đo căn bản cho thị trường, trong khi đúng ra phải nhìn vào chỉ số VNI - vốn được xem là "con ruột" trong cách tính toán và đương nhiên trong hệ thống báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)?
 
Quả là VNI đã được tạo dựng như thể "khói sương mờ ảo" - một phong cách của hội họa thời kỳ Ấn tượng vào đầu thế kỷ XX.
 
Cứ nhìn vào chỉ số này từ cuối năm 2009 đến nay thì những nhà đầu tư nghiệp dư trong nước, và đặc biệt là những người nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam nhưng chưa một lần đặt chân đến đất nước này, đã không có gì phải thắc mắc khi VNI chỉ giảm có 33% - một tỷ lệ suy vong khá khiêm tốn, tương đương với chỉ số Hang Seng của Hồng Kông và thậm chí còn khả quan hơn cả Shanghai Composite của TTCK Thượng Hải.
 
Song "khói sương mờ ảo" lại chính là tấm màn phân hóa triệt để giữa hai chỉ số chứng khoán ở Việt Nam. Trong hai năm qua, trong khi VNI chỉ mất có 1/3 giá trị điểm thì HNX đã kịp mất đến 2/3. Đó là sự khác biệt rất cơ bản mà bất cứ một nhà đầu tư còn trăn trở nào, chỉ cần nhìn lướt qua chiều dài suy vong của sóng giảm, sẽ nhận ra không chút khó khăn.
 
Không chỉ là đà suy giảm không ngừng nghỉ, mà tình cảnh "phân hóa giàu nghèo" giữa hai chỉ số chứng khoán mới là điểm ấn tượng nhất trong năm 2011.
 
Nguồn cơn xác thực của người giàu và kẻ nghèo như thế đã khởi phát từ chuyện một người "được" làm giá, còn kẻ khác lại không được hưởng cái diễm phúc ấy. "Xanh vỏ đỏ lòng" đã trở thành cụm từ dân gian chứng khoán rất tiêu biểu từ cuối năm 2010 đến nay.
 
Chính xác là từ tháng 8/2010, một bàn tay vô hình nào đó đã biến thị trường thành một thứ sân khấu bi - hài kịch. Tính hài kịch đã được các diễn viên chính có tên BVH, MSN, VIC cùng một vài kép hài phụ thể hiện.
 
Hài kịch lại sinh ra bi kịch. Trong khi những diễn viên thượng thặng trên vẫn tha hồ diễn "cương" thì nhân vật chính của sân khấu - HNX - lại chìm sâu vào bể than khóc, hệt như trong một vở cải lương sầu muộn. Cách ví von "đứa con rơi" đầy cay đắng cũng ra đời từ đó.
 
Ngã rẽ của "đôi tình nhân" cũng bắt đầu. Họ chia ly nhau, ai đi đường người nấy. Các quỹ đầu tư và những người ăn theo phương thức đầu tư chỉ số vẫn không thua thiệt, còn tất cả những gì không thuộc về phương thức này đã đương nhiên phải chịu số phận hẩm hiu.
 
Căn bệnh "ba không"
 
Nhưng số phận của thị trường là do ai tạo ra? Chính nhà đầu tư? Hay do các công ty chứng khoán?
 
Còn những người có trách nhiệm liên đới thì sao?
 
Một số bài viết tổng kết về TTCK năm 2011đã mô tả đầy đủ về tình trạng tâm lý bất ổn, thói quen bất nhất của một số nhà đầu tư, cũng như cái chân đứng hoàn toàn thiếu chắc chắn của khối công ty chứng khoán mà đã dễ làm cho nó sụp đổ. Nhưng câu chuyện VNI bị "làm xiếc" quá ư lộ liễu trong cả năm trời qua thì không thể chỉ có nhà đầu tư, công ty chứng khoán và trời đất biết.
 
Mà những người có trách nhiệm trong UBCKNN đã không thể không nghe thấy và nhìn thấy.
 
Vì nếu không biết về một sự thật mà tuyệt đại đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ đều đã trở thành nạn nhân của nó, thì làm sao những người lãnh đạo của UBCKNN còn đủ năng lực để điều hành một TTCK có vai trò quá quan yếu về "huy động vốn" và "dẫn vốn" trong nền tài chính quốc gia?
 
Có vẻ như cách nhìn về mối liên quan giữa hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" với UBCKNN đã chưa được báo giới mô tả một cách sâu sắc hơn, tương xứng hơn với thực tế vốn dĩ của nó.
 
Có vẻ như phần tường thuật các sự kiện trên TTCK năm nay vẫn tuân theo hình thức "báo cáo tổng kết".
 
Nhưng ai cũng hiểu là báo cáo tổng kết từ lâu nay đã mang trên mình nó căn bệnh giáo điều hơn là một cái gì đó thực chất.
 
Cứ sáu tháng và một năm, báo cáo tổng kết lại được trình lên Bộ Tài chính và Chính phủ, mô tả một cách tươi sáng những phần việc mà theo báo cáo này là đã làm được, để cuối cùng tóm gọn là "TTCK tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được sự ổn định", đồng thời không quên phác ra tương lai đầy hứa hẹn về "TTCK còn nhiều cơ hội phát triển bền vững".
 
Dường như "T+2", cơ chế mà các nhà đầu tư mong ngóng, đã được báo chí khoét quá sâu khi cho đến giờ, nhưng bất chấp nhiều lần "delay", thị trường vẫn chưa hề nhìn thấy mặt mũi của nó.
 
Và dường như đó cũng là khiếm khuyết chính của UBCKNN - một sự chậm trễ thiên về nguyên do quan liêu. Khiếm khuyết này xem ra cũng là chuyện khá bình thường, lồng trong bối cảnh mà sự im lặng tuyệt đối của UBCKNN trước tình cảnh thảm thương của TTCK cũng đã trở nên quá đỗi bình thường từ ít nhất một năm rưỡi qua.
 
Vào tháng 7/2011 - lần sinh nhật thứ 11 của TTCK - khi báo chí bắt buộc phải mô tả về những cái chết theo đúng nghĩa đen từ nạn "thua bạc", dường như căn bệnh "không nghe, không thấy, không biết" của UBCKNN vẫn chưa thuyên giảm chút nào.
 
Chất vấn!
 
Nhưng đến quý IV năm nay thì mọi chuyện đã trở nên bùng nổ. "T+2" đã trở thành chuyện quá nhỏ so với quá nhiều hậu quả mang tính tích lũy mà đã đẩy thị trường vào ngõ cụt. Ngày càng nhiều nhà đầu tư phải nhập viện tâm thần.
 
"Khủng hoảng niềm tin" chỉ là một cụm từ che đậy cho sự khủng hoảng về cơ chế và trên tất cả là khủng hoảng về văn hóa.
 
Ngõ cụt khủng hoảng ấy cũng khiến nhà đầu tư phải đặt ra những câu hỏi mà trước đây có thể họ chưa từng nghĩ đến:
 
Vì sao tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" với hình thể bị bóp mép đến cùng cực của chỉ số VNI đã xảy ra hơn một năm qua, đã được một vài tổ chức nghiên cứu mổ xẻ rất kỹ và bị dư luận của tuyệt đại đa số nhà đầu tư lên án, nhưng UBCKNN vẫn không hề đưa ra một giải pháp khắc chế nào, dù chỉ ở mức "cho có"?
 
Vì sao cho đến gần đây UBCKNN mới có đánh giá về "số lượng công ty chứng khoán là quá nhiều", trong khi chính cơ quan này đã thực hiện cấp phép cho đến 105 công ty như thế từ nhiều năm qua?
 
Vì sao hậu quả vỡ nợ chứng khoán đã xảy ra thật khủng khiếp nhưng trước đó, UBCKNN đã chưa từng đưa ra ít nhất một lời cảnh báo về hệ lụy này?
 
Chưa kể đến hậu quả đã, đang và sẽ còn xảy ra trong những động cơ và âm mưu sáp nhập, hay nói trắng ra là thôn tính doanh nghiệp qua sàn - một trong những nguyên nhân chính mà đã khiến nhiều doanh nghiệp không còn cách nào khác là cày cục tự nguyện xin hủy niêm yết.
 
Và cũng còn không ít câu hỏi "vì sao" khác đối với UBCKNN - những câu hỏi mà cho đến lúc này đã trở nên quá muộn, nhưng xét theo kỳ vọng "phát triển bền vững" thì muộn vẫn còn hơn là không hỏi gì hết.
 

Theo Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích