Kinh tế vĩ mô: “Lạc quan một tý”
Đã chớm hơi nồng của không khí Tết trong cuộc hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro năm 2012” do Vietstock Communications tổ chức vào ngày 17/12/2011.
Không hẳn do Tết năm nay đến sớm hơn mọi năm, mà do con số đến 500 khách tham gia, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư, đã tạo ra một khí sắc khá “phản cảm” với tảng băng lạnh lẽo của TTCK trong chuỗi ngày gần đây.
Kỳ vọng vẫn còn cho sự phục hồi của thị trường trong năm 2012. Dù rằng năm 2011 còn trên cả thê thảm, nhà đầu tư vẫn cố mong ngóng đến một tương lai khác hơn trong năm sau.
TS Võ Trí Thành, một trong 3 diễn giả của buổi hội thảo trên, đã bày tỏ “lạc quan một tý” đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Theo cách nói thường đậm chất ví von và ẩn dụ của ông, hiện nay các bộ ngành đã tạo được sự đồng thuận lớn, đủ để “ngồi uống rượu với nhau”. Nhận định này được ông phát ngôn không phải trên diễn đàn mà là bên… hành lang hội thảo.
Có lẽ không nên quá lạm dụng cụm từ “nới lỏng tín dụng”, vì dù đây có là chủ trương đi nữa thì trong thực hiện cũng là vô cùng.
Mà nên tuân theo đúng định hướng chỉ đạo về “điều hành uyển chuyển và linh hoạt”.
Thôi cũng được, từ ngữ chỉ là hình thức, còn nội dung mới quyết định. Miễn làm sao trong năm sau không còn đến gần 50,000 doanh nghiệp chịu cảnh phá sản như năm nay, miễn sao doanh nghiệp có thể được “tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ” theo đúng nghĩa. Và cầu trời, lạm phát đừng quay lại quá sớm!
Chi tiết đáng giá nhất trong phân tích của ông Thành có lẽ là “lộ trình giảm lãi suất”. Có hai cách giảm: “giảm kỹ thuật” và “giảm có ý nghĩa”. Ngân hàng nhà nước không nhất thiết phải giảm ngay lãi suất huy động về 12% như hàng loạt tin đồn đã xuất hiện vào cuối tháng 11 vừa qua, mà theo cách thức “giảm kỹ thuật”, lãi suất có thể được hạ dần từng bậc một.
Chỉ đến cuối quý 2 năm sau, nếu điều kiện về lạm phát tương đối ổn, cơ chế lãi suất mới có thể phát huy sức mạnh của nó. Thậm chí năm 2012 sẽ được ấn tượng hóa bởi cơ chế bỏ trần lãi suất, tháo gỡ những mệnh lệnh hành chính.
Phần trình bày của TS. Võ Trí Thành chiếm trọng tâm trong buổi hội thảo, đó là một điều dễ thấy. Điều dễ nhận ra hơn nữa là ông trở thành diễn giả duy nhất không phải chịu “sức ép sân nhà”. Chỉ cần thuyết minh về kinh tế vĩ mô, và nếu cần thiết mới điểm xuyết chứng khoán, chứ không nhất thiết phải chuyên chú về kênh đầu tư cổ phiếu.
Cũng bởi thế, phần thuyết minh của ông hoàn toàn không bị căng cứng, ngược lại còn rất sinh động. Mà sinh động nhất lại chính là những bài thơ do chính ông phóng tác.
Còn chứng khoán?
Không có được tâm trạng ngẫu hứng như ông Thành, hai diễn giả sau – TS Nguyễn Sơn và TS Quách Mạnh Hào – đều luôn trong tư thế sẵn sàng phải “đối phó” với những câu hỏi vừa bức xúc vừa hóc búa của báo giới và các nhà đầu tư.
Thị trường trong nguyên năm 2011 như thế nào thì mọi người đều đã rõ. Cuộc vỡ nợ hàng ngàn tỷ đồng chỉ là giọt nước tràn ly của tất cả những gì tích tụ trước đó. Cho đến nay, cơ chế “T+2” vẫn chưa được Ủy ban chứng khoán nhà nước đưa vào sử dụng.
Không dễ để trả lời nhiều vấn đề còn tồn tại trong một thị trường giá xuống quá khủng khiếp. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” đã diễn ra một cách công khai và đầy thách thức trong hơn một năm qua, nhưng câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư là vì sao UBCKNN đã không có một động thái cần thiết nào để ngăn chặn hình ảnh quá tiêu cực này.
Bộ chỉ số mới mà UBCKNN dự kiến đưa ra áp dụng vào tháng 2/2012, thực tế đã được phác ra từ quý 1 năm 2011, trong bối cảnh mà dư luận và công luận đã bắt đầu “phát điên” trước tình trạng nhóm cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn liên tục bị làm giá.
Một trong những xác minh rõ rệt nhất về quá trình làm giá trên là một phân tích vào quý 2 năm nay của Vietstock, trong đó đã tính toán tách bạch phần tác động của nhóm cổ phiếu bị làm giá đến chỉ số VNI.
Theo quan điểm của một phóng viên, chừng nào TTCK vẫn phải chịu đựng tình trạng làm giá cổ phiếu, chừng nào chỉ số VNI còn bị bóp méo thì thị trường hầu như chưa thể có cơ hội được phục hồi.
Mà đã chưa thể nhìn rõ cơ hội phục hồi, ít ra vào lúc này, thì việc đoán định đáy thị trường vào năm sau hoặc một thời điểm nào khác có thể sẽ trở nên một công việc vô nghĩa.
Vậy, vấn đề còn lại đối với chứng khoán là gì? Phải tự thân vận động sao? Cứ theo dự báo của TS. Quách Mạnh Hào thì phải chờ ít nhất 6 tháng nữa để quan sát… chính sách.
Loại trừ tất cả những thông tin tích cực đã trở nên vô nghĩa đối với TTCK trong năm 2011, hiển nhiên chỉ còn có yếu tố chính sách mới hầu mong giúp cho thị trường này thoát khỏi vũng lầy.
Nhưng trước mắt, một trong những vấn đề nóng nhất của TTCK hiện thời không phải là có phục hồi ngay hay không, mà là có nên cắt lỗ hay không khi mức “thâm hụt ngân sách” đã lên đến bình quân 50%.
Những ngày giáp Tết đang tới gần… Bất kể năm sau như thế nào, ai cũng muốn một cái Tết bình yên. Bình yên trong suy thoái. Nhưng ít nhất, từ nay đến Tết thị trường cũng không còn lao dốc nữa.
Dường như hy vọng ấy đang có cơ sở, và cơ sở ngày càng rõ nét hơn.
Thời gian tới có thể chứng kiến một vài động thái mới của Ngân hàng nhà nước về hoạt động tín dụng, điều có thể tác động gián tiếp cho TTCK.
Thậm chí nếu chính sách lãi suất được ban hành theo chiều hướng cởi trói cho dòng tiền, nhà đầu tư sẽ có hy vọng được hưởng một cái Tết ấm áp hơn nhiều so với không khí băng giá hiện nay.
Theo Vietstock