Hi vọng từng nhen nhóm giữa quý 3-2011 lúc lạm phát có dấu hiệu chậm lại. Thêm bốn tháng trôi qua, ánh sáng lại le lói khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị ngành ngân hàng đã giao Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay từ đầu năm 2012.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, PGS. TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội - nói rằng cứ nhìn vào thanh khoản trên các thị trường chính của nền kinh tế sẽ thấy người đầu tư, kinh doanh khó như thế nào.
Nhiều trường hợp đang ăn vào vốn của mình, không ít doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Thị trường chứng khoán teo tóp dần, giá nhiều loại chứng khoán dưới mệnh giá nhưng sức mua yếu vì nhà đầu tư cho rằng giữ tiền mặt có lợi hơn cổ phiếu. Thị trường hàng hóa ế ẩm, hàng tồn kho tăng, sức mua èo uột thì lấy gì để trả vốn và lãi vay ngân hàng. Giá bất động sản miệt mài lao dốc nhưng vẫn vắng bóng người mua, trong khi các hợp đồng vay liên tục đến hạn trả nợ, cũng không thể vay thêm vốn mới.
Muốn hâm nóng sức mua để người kinh doanh có thể bán hàng, thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng, tạo vòng quay mới để có thêm công ăn việc làm... chỉ có cách duy nhất là giảm lãi suất.
Mục tiêu phải giảm lãi suất cho vay đã được đề ra từ lâu nhưng thực hiện quá khó, vì sao? Từ cuối tháng 2-2011 với nghị quyết 11 của Chính phủ, cả nước đã thắt lưng buộc bụng để kiềm chế lạm phát. Mục tiêu đó đã đạt được khi từ tháng 8-2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại. Đặc biệt tháng 10 và 11-2011, chỉ số giá chỉ còn tăng 0,36 và 0,39%/tháng nhưng ngân hàng vẫn trả lãi cho người gửi tiền đến 1,16%/tháng.
Không giảm lãi suất huy động thì chẳng thể giảm lãi suất cho vay. Lạm phát cao vốn được cho là nguyên nhân khách quan nên chưa thể giảm lãi suất huy động nay đã được gỡ bỏ.
Doanh nghiệp và nền kinh tế không chấp nhận ngân hàng tiếp tục “túc tắc” với lộ trình giảm lãi suất. Xã hội đòi hỏi ngành ngân hàng phải là động lực cho nền kinh tế. Không chỉ đưa ra mức lãi suất phù hợp, ngân hàng thông qua các hoạt động cho vay, nếu kiểm soát chặt chẽ, làm nghiêm túc sẽ là “bà đỡ” cho các dự án tốt, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.
Và để làm được việc này, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, ngành ngân hàng phải nhìn nhận những yếu kém của mình để cố gắng hơn; mỗi ngân hàng phải chủ động tái cơ cấu về chiến lược kinh doanh, về quản trị để hoạt động hiệu quả hơn và đừng làm khó cho hệ thống, nhất là không thể lấy tiền của xã hội đầu tư chứng khoán, bất động sản...
Nghĩa là mục tiêu cao nhất là hướng dòng vốn vào những ngành nghề sản xuất, kinh doanh được khuyến khích; không chấp nhận đồng vốn chảy lạc đường, vào bất động sản, chứng khoán với mục đích đầu cơ, “tay không bắt giặc” nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn cho xã hội. Chỉ có thế ngân hàng mới hoàn thành nhiệm vụ mà người đứng đầu Chính phủ giao là “không thể để hệ thống ngân hàng tiềm ẩn rủi ro”, làm “bà đỡ” như mong muốn của mọi doanh nghiệp.
Theo Vinacorp