Những con số buồn của thị trường chứng khoán

Thứ hai, 19/12/2011, 00:51
Chỉ số Vn-Index và HNX-Index đồng loạt kéo nhau lao dốc mạnh, cùng với đó bảng điện tử trên cả hai sàn đều liên tục lan tỏa sắc đỏ khi những cổ phiếu không ngừng rơi xuống mức thấp chưa từng có… là những sự kiện đáng buồn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần vừa qua.


 

Trong tuần qua, cùng với sự lao dốc của thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng đã có những ngày khá thê thảm, do các chỉ số chưa thực sự có được thông tin kinh tế vĩ mô tích cực nào hỗ trợ. Điều này khiến giới đầu tư vẫn tỏ ra lo sợ và hoảng loạn trước bi kịch xấu đang xảy ra với cả hai sàn. Hoạt động bán tháo ra cắt lỗ như là một giải pháp an toàn, trong bối cảnh hiện tại đã dành được nhiều lựa chọn.

Theo dõi thị trường có thể thấy, tuần qua lực bán liên tiếp áp đảo lực mua, cùng với đó khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh là đặc điểm nổi bật của bốn phiên giao dịch đầu tuần qua. Đặc  biệt, các cổ phiếu lớn nhỏ trên sàn đều ồ ạt đi xuống, trong đó với vai trò là mã chủ chốt trên sàn là MSN cũng bị bán sàn khá mạnh.

Động thái này đã kéo chỉ số Vn-Index rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, khi đứng ở mức 364,48 điểm. Trong khi đó, chịu tác động đi xuống suốt một thời gian dài, chỉ số HNX-Index cũng lao xuống mức thấp nhất trong lịch sử (59,64 điểm).

Việc các chỉ số trên sàn TP.HCM và Hà Nội lần lượt đi xuống mức thấp trong thời gian vừa qua, có một phần không nhỏ là do chịu tác động của việc lao dốc của các cổ phiếu trên sàn.

Chốt phiên cuối tuần qua, có khá nhiều cổ phiếu đứng ở mức giảm sàn. Tính chung cả tuần, đa số các cổ phiếu niêm yết trên sàn đều có mức sụt giảm nhất định. Đặc biệt, những cổ phiếu có mệnh giá thấp đáng kinh ngạc vẫn xuất hiện trên sàn.

Cụ thể, trên sàn TP.HCM, chốt cuối tuần qua, cổ phiếu BAS của Công ty cổ phần BASA đứng ở mức giảm sàn, niêm yết mệnh giá 1.600 đồng/cổ phiếu, giảm 100 đồng so với đầu tuần. Cổ phiếu CAD của Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản CAOVIMEX cũng chỉ niêm yết ở mức 1.700 đồng/cổ phiếu, giảm 100 đầu so với đầu tuần.

Là cổ phiếu rẻ nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu VKP của Công ty cổ phần nhựa Tân Hóa chỉ niêm yết ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu, tăng 100 đồng so với đầu tuần.

Trong khi đó, cổ phiếu TRI của Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn cũng chỉ niêm yết ở mức 1.900 đồng, giảm 100 đồng so với giá niêm yết hồi đầu tuần.

Không thể đi ngược lại được xu thế, cổ phiếu VSG của Công ty cổ phần Container Phía Nam và VES của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Mêca Vneco cũng chỉ niêm yết lần lượt ở mức 1.800 đồng/cổ phiếu và 1.700 đồng/cổ phiếu.

Không có cổ phiếu mệnh giá 1.000 đồng như sàn TP.HCM, nhưng sàn Hà Nội cũng xuất hiện khá nhiều mã có mệnh giá đáng buồn là trên 2.000 nghìn đồng/cổ phiếu.

Điển hình như cổ phiếu SDY của Công ty cổ phần xi măng Sông Đà Yaly, niêm yết ở mức 2.500 đồng, giảm 100 đồng/cổ phiếu so với giá đầu tuần. Với mệnh giá niêm yết còn 2.400 đồng, cổ phiếu CIC của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cotec cũng đã giảm 300 đồng/cổ phiếu so với giá niêm yết hôm đầu tuần.

Ngoài những cổ phiếu trên, thì thị trường vẫn còn khá nhiều mã có mệnh giá thấp như AME, APG, BVG, KSD…

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán ACB – ACBS, về mặt phân tích kỹ thuật, trong các phiên tới, lực cầu bắt đáy trên thị trường có thể giúp cả hai chỉ số hồi phục nhẹ. Đối với chỉ số Vn-Index, chỉ số này có thể bật dậy về vùng 375 – 380 trong khi trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index có thể hồi phục về vùng 60 – 61 hoặc xa hơn là 64 – 65. Mặc dù vậy, với quan điểm thận trọng, các phiên tăng điểm này sẽ không thể kéo dài lâu.

Đây không phải là thời điểm thích hợp cho chiến lược đầu tư ngắn và trung hạn. Ngoài ra, thị trường vẫn còn nhiều rủi ro cho chiến lược đầu tư dài hạn với những mã có yếu tố cơ bản tốt, do mức giá hiện tại là khá hấp dẫn.

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn