Lãnh đạo Cty cổ phần thiết bị giáo dục 1 làm việc với phóng viên.
Ôm cả lãi lẩn gốc…
Như PLVN đã thông tin, tình hình tài chính của Cty cổ phần thiết bị giáo dục I (Cty) đến thời điểm này là hết sức bi đát. Ngoài khoản nợ thuế nhà nước, bảo hiểm xã hội hơn 10 tỷ đồng, mới đây Nhà Xuất bản Giáo dục và lãnh đạo mới của cty này lại “hoa mắt” khi tiếp tục phát hiện ban lãnh đạo trước đây của cty này đang nợ 11,9 tỷ đồng của 63 người vốn là cán bộ và người thân của cán bộ công nhân viên Cty. Các khoản vay này núp dưới danh nghĩa “huy động vốn sản xuất kinh doanh”.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, để huy động được số tiền cả chục tỷ đồng từ các đối tượng bên ngoài, Cty đã phải “thiết kế” ra một loạt giấy vay tiền có chữ ký của giám đốc và đóng dấu cty nhưng lại được gọi tên là “Hợp đồng vay vốn”.
Kèm theo các giấy vay tiền này là hàng loạt thông báo mời gọi với nội dung rất “kêu” như: Căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh Cty cần huy động vốn vay với lãi suất cao. “Thời gian đầu, họ thực hiện đúng thông báo là trả lãi hàng tháng, việc cho vay thêm hay rút tiền ra cũng không vướng mắc gì. Nhưng từ tháng 6/2011, Cty đột nhiên không trả lãi và cũng không cho chúng tôi rút gốc ra.”- bà Đoàn Thị Lãng (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết.
Theo nguồn tin của PLVN, do tin tưởng lãnh đạo cty này, gia đình bà Võ Thị Tích (Hà Nội) gồm 4 người đã cho vay 1,2 tỷ đồng; bà Đoãn Thị Lãng và người thân cũng gửi niềm tin vào cty với số tiền cho vay lên tới 1,5 tỷ… Tuy nhiên, hơn 5 tháng qua, kể từ khi phát hiện số tiền đã cho vay có nguy cơ bị “xù”, nhiều người đã kéo đến trụ sở cty để làm rõ, nhưng các yêu cầu của họ đều bị khước từ.
Tân Tổng Giám đốc nói gì?
Trao đổi với PLVN, tân Tổng giám đốc Cty cổ phần Thiết bị giáo dục I - Hoàng Thị Loan, cho biết, bà rất ngạc nhiên về khoản nợ này. “Theo điều lệ cty, đối với các khoản vay bên ngoài từ 10% trở lên so với vốn điều lệ (vốn điều lệ 23,5 tỷ đồng - PV) thì phải được Hội đồng quản trị thông qua. Trước khi làm tổng giám đốc Cty, tôi ngồi ở ghế Phó chủ tịch HĐQT nhưng không hề biết có khoản vay đối với các cá nhân trên”- Bà Loan nói.
Bà Loan cho biết bà cũng không rõ các khoản nợ này người tiền nhiệm (ông Nguyễn Ngọc Hải) lấy tư cách cá nhân hay dùng danh nghĩa cty để vay. “Chưa được nhận bàn giao nên không biết trả lời với báo chí thế nào. Chỉ khi được nhận đầy đủ hồ sơ thì tôi mới có thời gian nghiên cứu, xem xét các khoản vay này được vay mượn ra sao. Bởi các hợp đồng này đều diễn ra ở các đời giám đốc trước. Chưa đối chiếu, bây giờ bảo tôi nhận “cục nợ” này sao được?” - bà Loan bức xúc.
Như vậy, sau 4 năm chuyển sang mô hình cổ phần, doanh nghiệp hàng đầu của nghành giáo dục lại rơi vào tình trạng kém phát triển, tình hình tài chính thiếu rõ ràng, nợ nần ngày một nhiều thêm. Nhưng lạ lùng là cả Bộ GD&ĐT cũng như Nhà xuất bản giáo dục - đơn vị trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này không có biện pháp kịp thời để vực lại công ty.
Theo Vinacorp