Chủ tịch ECB Mario Draghi (Nguồn: AP).
Ông Mario Draghi đã cảnh báo về chi phí của việc khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) tan vỡ, vi phạm một điều cấm kị đối với 1 Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB), ngay cả khi ông tìm cách giảm kỳ vọng của thị trường về vai trò của ECB trong việc chống lại khủng hoảng nợ.
Sự sẵn sàng thảo luận của Chủ tịch ECB Mario Draghi về kịch bản cho liên minh tiền tệ châu Âu 13 năm tuổi, vấn đề mà người tiền nhiệm Jean-Claude Trichet miêu tả đơn giản là vô lý, nhấn mạnh tình trạng nghiêm trọng của khủng hoảng nợ eurozone - vốn đang gây rối loạn thị trường tài chính toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi trở thành Chủ tịch ECB ngày 1/11, ông Draghi nói rằng các nước eurozone đang gặp khó khăn nếu rời bỏ khối tiền tệ chung sẽ vẫn phải đối mặt với vấn đề kinh tế lớn hơn. Với những nước thành viên còn lại, luật pháp Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị phá bỏ và sẽ không thể biết được điều đó kết thúc thật sự thế nào, ông Draghi nói.
Các nước rời khỏi eurozone và phá giá đồng tiền của mình sẽ gây ra lạm phát lớn và không thoát khỏi việc cải cách cơ cấu - điều sẽ vẫn phải thực hiện nhưng ở vị thế yếu hơn nhiều, ông Draghi nói với Financial Times.
Để chống lại khủng hoảng, ông Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp mà ECB chưa từng thực hiện để chống đỡ cho các ngân hàng eurozone - bao gồm việc lần đầu tiên cung cấp không giới hạn các khoản vay kỳ hạn 3 năm trong tuần qua. Tuy nhiên, ông Draghi nhấn mạnh rằng các chính trị gia của khu vực phải giữ vai trò lãnh đạo trong việc khôi phục niều tin của nhà đầu tư về tình hình tài chính công eurozone bằng cách đảm bảo quy định tài chính và để Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) hoạt động với đầy đủ chức năng.
ECB có thể sẽ đóng vai trò đại lý cho EFSF trong các hoạt động trên thị trường tài chính kể từ tháng 1 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ông Draghi nói. Ông bày tỏ hy vọng rằng các nguồn lực của quỹ sẽ được tăng cường sau lần xem xét đánh giá vào tháng 3. "Tôi nghĩ rằng nếu người ta có thể thấy tính hữu dụng của quy mô hiện tại, khả năng tăng cường quỹ sẽ mạnh hơn nhiều."
Tuy nhiên, ông Draghi thận trọng trong việc đưa ra ý kiến về chương trình mua trái phiếu chính phủ của chính ECB, được cho là đã mua hơn 200 tỷ euro nợ của các nước nam Âu kể từ tháng 5/2010.
Chủ tịch ECB Draghi cho rằng chương trình mua trái phiếu sẽ vẫn hợp lý, miễn là các kênh của thị trường tài chính mà qua đó các quyết định lãi suất được chuyển tới nền kinh tế thực vẫn trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Dù vậy, ông Draghi nhấn mạnh EU cấm việc ngân hàng trung ương cung cấp tài chính cho các chính phủ. Khi được hỏi về giới hạn cho chương trình mua trái phiếu của ECB, ông Draghi thay vào đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo các chính phủ đáng tin cậy về các cải cách cơ cấu và kỷ luật tài chính.
Ông Draghi ám chỉ sự phản đối của mình về việc ECB đặt giới hạn cho lợi suất trái phiếu (chi phí đi vay) của các chính phủ eurozone hay cho mức chênh lệch lợi suất giữa Đức và nợ các chính phủ eurozone khác. Ông cảnh báo: "Chính sách tiền tệ không thể làm tất cả mọi thứ".
Vị Chủ tịch ECB cũng loại bỏ khả năng đưa ra các chương trình nới lỏng định lượng như Mỹ hay Anh đã làm ngay cả khi eurozone rơi vào suy thoái sâu. "Điều quan trọng là khôi phục niềm tin của người dân cũng như giới đầu tư vào lục địa châu Âu. Chúng tôi sẽ không đạt được điều đó bằng cách phá hủy tín nhiệm của ECB," ông Draghi tuyên bố.
Theo Vinacorp.