Hoàn thiện cơ chế
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển đô thị, phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, là công tác kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư, quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở; nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy chuẩn quy hoạch xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng.
Đổi mới toàn diện hệ thống định mức, đơn giá, suất vốn đầu tư cho phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, cấp phép xây dựng đến đánh giá chất lượng công tác thi công xây lắp, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, vật liệu tái chế; việc sử dụng vật liệu xây dựng và thiết bị tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng phải được coi là yêu cầu bắt buộc.
Xây dựng hệ thống đô thị
Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng cuộc sống tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc theo hướng đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị, nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch đô thị và nông thôn, kiểm soát chặt chẽ công tác phát triển theo quy hoạch; coi trọng tính đồng bộ, kết nối vùng của hệ thống đô thị. Cần nâng cao năng lực dự báo trong công tác quy hoạch để các đô thị đáp ứng được xu thế phát triển, tránh quá tải, phá vỡ kết cấu đô thị.
Triển khai Chiến lược nhà ở quốc gia
Tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2127/QĐ-TTgngày 30/11/2011.
Trong đó, thực hiện việc giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Đây cũng là cơ sở để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người.
Cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường, trong giai đoạn tới Bộ cần phải tập trung phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước) để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.
Phương thức phát triển nhà ở xã hội cũng cần phải được triển khai đa dạng theo nhiều hướng, như: Nhà nước đầu tư nhà ở cho thuê giá rẻ, đầu tư theo hình thức BT, PPP; ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hỗ trợ để người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai cải thiện nhà ở...
Nghiêm túc thực hiện giải pháp quản lý thị trường BĐS
Khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát thị trường bất động sản; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển đô thị;
Tthực hiện tái cơ cấu hàng hóa bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở xã hội có sự tham gia, điều tiết của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Tổ chức rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường; kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.
Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
Các tổ chức tín dụng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở; các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012;
Ttrước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản; thực hiện tạm dừng, giãn tiến độ đối với các dự án đầu tư có sản phẩm bất động sản dư thừa, khó tiêu thụ, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án có sản phẩm đáp ứng nhu cầu cao của xã hội để phù hợp với mối quan hệ cung - cầu của nền kinh tế thị trường.
Tập trung tháo gỡ khó khăn về xác định giá đất sát giá thị trường, về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất cho phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu, ban hành các định chế tài chính mới như: Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường; nghiên cứu, đề xuất về thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, bất động sản.
Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh BĐS
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, kiểm định chất lượng công trình xây dựng...để kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh và dự án đầu tư hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo VnMedia