Tìm mọi cách để giảm chi tiêu nhằm tồn tại qua ngày.
Co hẹp để giảm chi phí
Chưa kịp thẩm thấu nhiều thông tin không mấy tốt lành từ các CTCK, hôm (15/12), TTCK lại đón nhận thêm tin CTCK Hà Nội (HSSC) xin rút nghiệp vụ môi giới.
Thông tin cụ thể về việc HSSC rút nghiệp vụ môi giới như thế nào chưa được công bố. Tuy nhiên, nó phần nào đã cho thấy sự khó khăn mà các CTCK đang phải đối mặt trong bối cảnh TTCK liên tục phá đáy và giao dịch trầm lắng.
Về cơ bản, đây là một quyết định bình thường nhằm co gọn lại lĩnh vực hoạt động khi mà môi trường kinh doanh không thuận.
Tuy nhiên, với các CTCK thì môi giới lại là nghiệp vụ cơ bản nhất và là nghiệp vụ cần ít vốn theo quy định của pháp luật. Nếu bỏ môi giới, thì nghiệp vụ tư vấn đầu tư cũng sẽ không có "nền" để phát triển. Trong khi đó, bảo lãnh phát hành thì vốn pháp định yêu cầu khá cao và không có nhiều CTCK nhỏ "ôm" nghiệp vụ này.
Còn lại chăng là tự doanh, nhưng nghiệp vụ này xem ra lại là "cỗ máy nghiền thịt" trong thời buổi chứng khoán đi xuống.
Không chỉ có HSSC, hiện có tới 5-6 CTCK cũng đang có ý định sẽ cắt nghiệp vụ môi giới nếu trong tháng 1/2012 TTCK vẫn tiếp tục khó khăn.
Lý do mà họ đưa ra là chi phí cho hoạt động môi giới quá cao (bao gồm chi phí nộp cho Trung tâm lưu ký, trả tiền đường truyền, tiền phí cho các sở, tiền thuê văn phòng, nhân viên...), lên tới vài chục tỷ đồng/năm. Riêng phí nộp cho Trung tâm lưu ký và các sở đã lên tới vài tỷ, trong khi doanh thu năm 2011 của CTCK nhỏ không được như vậy.
Trước HSSC, cũng đã có hai CTCK là Gia Anh và Đông Dương từ bỏ nghiệp vụ quan trọng này.
Nếu như Gia Anh rút nghiệp vụ môi giới và chuyển bộ tài khoản giao dịch của khách hàng cho Công ty chứng khoán An Phát quản lý là do gặp khó khăn trong việc huy động tăng vốn điều lệ theo quy định của Pháp Luật, thì CTCK Đông Dương rơi vào tình cảnh tương tự HSSC.
Hôm 14/12 vừa qua, Chứng khoán Đông Dương đã phải thông báo với khách hàng sẽ tạm dừng nghiệp vụ môi giới và chuyển mảng này qua Chứng khoán Kim Eng.
Mặc dù buộc phải "bán" khách qua Kim Eng, nhưng trong thông báo của mình Đông Dương vẫn khẳng định, khách hàng vẫn là của công ty. Sau khi tìm kiếm được đối tác hợp tác để tăng vốn, Đông Dương sẽ mở lại nghiệp vụ này.
Có thể thấy, các CTCK đã gặp quá nhiều khó khăn trong năm qua. Nhiều công ty thua lỗ, cụt vốn và việc họ phải chủ động cơ cấu lại hoạt động là điều không tránh khỏi.
Thậm chí, đã có ông chủ quyết định thoát ra hẳn như trường hợp Chứng khoán Vincom bán cho Xuân Thành Group. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, việc chuyển nhượng như vậy (hoặc sáp nhập) không còn dễ dàng nữa bởi chính các "ông lớn" hiện cũng đang thiếu tiền và đầu tư vào CTCK không còn là lựa chọn hấp dẫn. Nhiều người trong cuộc đã thực sự vỡ mộng.
Lựa chọn có thể nói là tối ưu hiện nay là co lại để sống qua ngày và chờ thời để bán cho một đối tác mới và mong sớm có ngày lấy lại số tiền đổ vào CTCK.
Nguy cơ cho TTCK
Việc rút gọn lại lĩnh vực hoạt động là quyết định của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với TTCK thì việc này khá nhạy cảm.
Trong vài ngày qua, TTCK đã tỏ ra khá hốt hoảng với nguy cơ "vỡ nợ" của các CTCK khi mà Công ty Chứng khoán SME (SME) mất khả năng chi trả tiền mặt cho nhà đầu tư và Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS) bị VSD cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán.
Nhiều người đã thực sự sốc và lo sợ không lấy lại được tiền của mình. Những người khác lo ngại việc việc mất khả năng thanh toán rất có thể lan rộng nhanh chóng và trở thành làn sóng đối với các CTCK trong bối cảnh các công ty này liên tiếp lỗ và vốn chủ sở hữu cũng không còn nhiều.
Thị trường đang gánh rủi ro từ các công ty chứng khoán.
Sự lo ngại đã tiếp tục tăng cao sau khi HSSC quyết định rút bỏ nghiệp vụ môi giới.
Theo nhiều nhà đầu tư, khi một CTCK rũ bỏ nghiệp vụ này thì ở đằng sau đó là những mối liên quan lằng nhằng kiểu cổ phiếu "hợp tác đầu tư" mà các nhà đầu tư VIP nào đó margin rồi bỏ của chạy lấy người...
Nó rấy lên lo ngại rằng áp lực giải chấp thời điểm này không phải là không có bởi các CTCK có thể vẫn phải đang cố thu hồi lại vốn liếng mà họ "trót dại" cho các nhà đầu tư VIP vay.
Điều đáng buồn là những lo ngại này diễn ra trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán liên tục phá đáy. VN-Index dễ dàng xuyên thủng ngưỡng 370 điểm, trong khi HNX-Index rớt xuống dưới 60 điểm - mức thấp nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, quyết định rút nghiệp vụ môi giới của các CTCK lúc này là sự dũng cảm. Theo đó, các CTCK đã tự nguyện từ bỏ những nghiệp vụ mà đối với họ không có hiệu quả kinh tế. Đó chính là một bước đi của tái cơ cấu.
THeo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam