Dấu hiệu xấu từ đồng EUR

Chủ nhật, 18/12/2011, 23:50
Càng gần đến cuối năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurzone) lại càng nghiêm trọng. Đồng EUR bị đẩy gần hơn tới bờ vực tan rã khi rộ lên tin đồn Pháp sắp bị Standard & Poor’s, một trong 3 hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn nhất thế giới, đánh tụt bậc tín dụng.


Ngày 18-12, phi công Hãng hàng không Iberia của Tây Ban Nha đình công phản đối việc tung thêm chuyến bay giá rẻ, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách.

 

Không chỉ có Pháp

Những thông tin này được đưa ra trong bối cảnh một hãng đánh giá tín nhiệm khác là Fitch cũng cho biết sẽ xem xét khả năng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Pháp, hiện vẫn giữ ở mức tốt nhất AAA. Fitch cũng cảnh báo có thể đánh tụt hạng tín nhiệm 6 nước thành viên khác gồm Bỉ, Tây Ban Nha, Italia, Cyprus, Ireland và Slovania trong vòng 3 tháng.

Theo tờ Guardian, nếu bị đánh tụt hạng tín nhiệm, Pháp sẽ gặp khó khăn hơn khi muốn vay tiền trên các thị trường tài chính quốc tế hoặc phải vay với giá cắt cổ, giữa lúc nhiều người nghi ngờ về những cam kết cứu vãn eurzone đưa ra trong các cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu gần đây.

Bị mất điểm tín dụng, khả năng đóng góp của Pháp trong Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Để thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ hiện có, trả lãi vay và vay mới, Pháp sẽ cần huy động khoảng 400 tỷ EUR trong năm 2012. Lãi suất trái phiếu chính phủ Pháp vừa tăng thêm 1% hiện nay sẽ khiến Pháp thiệt hại 4 tỷ EUR/năm.

Những nước nằm trong vùng nguy hiểm

Theo THX, nỗi hoang mang bao trùm khắp châu Âu. Italia và Tây Ban Nha đang rối loạn. Bỉ lại trượt dài vào vùng nguy hiểm. Trong khi có nhiều nhận định rằng Hy Lạp khó có khả năng trả nợ nếu tiếp tục ở lại eurzone và nhiều ngân hàng châu Âu buộc phải nhận cứu trợ thì kinh tế Ireland, một thành viên eurzone, cũng đang suy thoái mạnh hơn dự đoán. Những số liệu mới nhất vừa được công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ireland giảm tới 1,9% trong quý III-2011.

Như vậy tăng trưởng GDP của Ireland là thấp nhất trong số các nước eurzone, trừ Hy Lạp, đảo ngược hẳn xu hướng tăng khá cao (1,4%) trong quý 2 2011. Các nhà đầu tư quốc tế cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Ireland có thể sẽ xấu đi trong vài tháng sắp tới do những nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của nước này đang trượt dần vào suy thoái.

Tia sáng cuối đường hầm

Liên quan đến cuộc giải cứu khu vực đồng EUR, tờ Wall Street Journal cho rằng Đức cùng với Hà Lan và Phần Lan những nước hiếm hoi tại châu Âu hiểu rằng muốn cứu đồng EUR không thể chỉ đưa ra một ngân phiếu khống, tung tiền ra cứu các nước bị khủng hoảng, mà phải cần có quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện một chính sách kinh tế tốt hơn.

Theo nhận định của tờ báo trên, sai lầm chính ngay từ đầu của châu Âu là không để Hy Lạp phá sản mà cố giữ nước này trong khu vực và tìm mọi cách củng cố nền kinh tế của Hy Lạp. Tiền lệ này sẽ buộc các nước khác và những chủ nợ phải gia tăng các biện pháp kỷ luật ngân sách và tài chính công. Vào lúc đó, người ta lo ngại việc phá sản sẽ làm tăng lãi suất công trái.

Thực tế cho thấy lãi suất đi vay vẫn tăng dù châu Âu đổ tiền vào Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Giờ đây, châu Âu phải chấp nhận trả giá đắt cho sai lầm này.

Trong ba lựa chọn để khu vực đồng EUR tan rã, tiếp tục tung tiền cứu các nền kinh tế gặp khó khăn, thì giải pháp của Đức khả dĩ nhất. Đó là tăng cường kỷ luật ngân sách, tức thành lập Liên hiệp ngân sách, với những quy định chặt chẽ về thâm hụt chi tiêu và nợ công. Kịch bản này cho thấy những nước có kỷ luật ngân sách, tài chính tốt và những nước có vấn đề, đồng thời duy trì áp lực “cây gậy và củ cà rốt”.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thể giải quyết được hết mọi vấn đề và sẽ phản tác dụng nếu nó làm tăng thuế, bóp chết tăng trưởng. The Wall Street Journal kết luận giải pháp của Đức bị cho là cứng nhắc, nhưng nếu không tiến hành cải cách thực sự, nhiều nước phía Nam châu Âu không thoát ra khỏi vòng xoáy nợ công.

Theo Vinacorp

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn