Giao dịch hàng hoá trên sàn (hay còn được gọi là giao dịch giao ngay) là hoạt động lâu đời, diễn ra hàng ngày và gắn liền với tập quán vùng miền.
Nút thắt thanh khoản
Trong thời kỳ lạm phát cao, kết quả phân tích thống kê cho thấy, kênh đầu tư vào hàng hoá cho hiệu quả sinh lời tốt hơn so với các kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu... Tuy vậy, kênh đầu tư hàng hoá qua sở giao dịch hàng hóa (SGDHH) ở VN chưa thật sự thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính. Một số nguyên nhân chính bao gồm: Thứ nhất, giao dịch hàng hoá qua SGDHH sử dụng các công cụ phái sinh.
Trong khi đó, nhà đầu tư tài chính ở VN chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc sử dụng các công cụ cao cấp này. Để làm quen với công cụ mới đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và ứng dụng. Thứ hai, thanh khoản của các SGDHH còn thấp. Đây là rào cản lớn nhất đối với việc tham gia của các nhà đầu tư tài chính. Thông thường, trước khi quyết định giải ngân, các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đến khả năng thoái vốn và chiến lược thoái vốn (exist strategies).
Điều này các SGDHH ở VN chưa thể đáp ứng ngay được. Đây là bài toán giữa “con gà và quả trứng”. Nếu không có sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính thanh khoản không thể được cải thiện. Ngược lại, nếu không có mức thanh khoản cần thiết, nhà đầu tư tài chính sẽ không tham gia giao dịch. Và cuối cùng, khung pháp lý chưa thật sự rõ ràng và đầy đủ.
Ưu thế nổi trội
Nếu so với các kênh đầu tư truyền thống khác, kênh đầu tư giao dịch hàng hóa có nhiều ưu thế nổi trội, như: Cung cấp các công cụ phái sinh và công cụ bảo hiểm rủi ro biến động giá, Không đòi hỏi nguồn vốn lớn do được sử dụng đòn bẩy tài chính. Tỉ lệ ký quỹ ban đầu thường không quá 10% giá trị giao dịch; Gia tăng vòng quay vốn, không bị hạn chế về ngày “T+”; Đa dạng hóa danh mục đầu tư và chống lạm phát; Có thể tìm kiếm lợi nhuận thông qua biến động hai chiều của thị trường. Đây là điểm nhấn giúp cho hoạt động giao dịch hàng hóa hấp dẫn hơn kênh đầu tư truyền thống là chứng khoán ở VN, khi hiện tại, các nhà đầu tư chỉ có thể tìm kiếm lợi nhuận trong trường hợp thị trường đi lên.
Thị trường hàng hoá ở nước ta có giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu lớn. VN có nhiều lợi thế và hoàn toàn có khả năng tạo ra sức mạnh trong việc tự quyết định giá nông sản trên “sân nhà” và ngay cả trên thị trường thế giới. Khi đó, nông dân và các hộ sản xuất cũng như các DN trong ngành sẽ có sự chủ động trong quá trình sản xuất cũng như chủ động trong việc quyết định giá nông sản do mình làm ra.
Giao dịch hàng hoá qua SGDHH là giải pháp hiệu quả cho quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp của VN trong quá trình hội nhập. Cởi bỏ được “nút thắt” thanh khoản là điều kiện quan trọng cho sự “bùng nổ” về giao dịch hàng hoá qua SGDHH ở VN.
Mục tiêu này đòi hỏi các giải pháp tổng thể và sự hưởng ứng từ các bên tham gia thị trường như thay đổi thói quen giao dịch của hộ sản xuất, các DN và nhà đầu tư tài chính. Trong quan hệ giao dịch hàng hoá, SGDHH cùng với các nhà môi giới đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thanh khoản, thúc đẩy hợp tác đa phương và tạo ra các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cũng như bảo hiểm giá cho các bên tham gia giao dịch.
Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam