Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng tại hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng, được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần qua, sau một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại và bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định.
Đánh giá tổng kết của các chuyên gia Bộ Xây dựng đã chỉ rõ những yếu kém về tình trạng phát triển đô thị và các khu nhà ở tại các địa phương thời gian qua. Cụ thể, việc phát triển đô thị còn thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chưa có quy hoạch, kế hoạch, tự phát, tình trạng chậm tiến độ còn diễn ra phổ biến, dẫn đến các đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hoá BĐS nhà ở mất cân đối, thị trường thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS lại chỉ chú trọng vào phát triển các căn hộ cao cấp, ít đầu tư cho xây dựng loại hình căn hộ có giá trung bình và thấp. Đặc biệt, thị trường thiếu hẳn loại hình nhà ở cho thuê, mặc dù nhu cầu nhóm nhà ở này rất lớn và trên thực tế, tỷ trọng căn hộ cho thuê, cho mượn tại các khu vực đô thị mới đạt tới 14%.
Giá cả hàng hóa BĐS, giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn, tình trạng đầu cơ, kích giá vẫn còn phổ biến. Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc tạo lập nhà ở. Vì vậy, thị trường BĐS luôn bị tác động khi có sự thay đổi chính sách tín dụng...
Theo ý kiến của một số chuyên gia, để khắc phục những khiếm khuyết, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở và kinh doanh BĐS.
Các cơ quan quản lý cần tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở; kiểm tra việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (quỹ đất 20%) trong các dự án phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ nhằm khai thông đầu ra cho thị trường trong thời gian tới là đa dạng hóa cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, theo hướng tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng, ưu tiên phát triển các căn hộ có quy mô vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển mạnh nhà ở cho thuê, kể cả nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nhà ở cho thuê do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, phục vụ nhu cầu thuê nhà ở của người dân khu vực đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp.
Để phát triển thị trường BĐS theo hướng đa dạng hóa cơ cấu nhà ơ, các chuyên gia khuyến nghị cần có chính sách tăng trưởng tín dụng đối với BĐS hợp lý. Theo đó, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP, bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.
Tuy nhiên, trước mắt, cần giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với một lộ trình hợp lý, tránh gây sốc cho thị trường; đồng thời, áp dụng các biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường BĐS tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
Song song với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở; các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.
Trước mắt, cần hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS.
Theo ĐTCK