Tuy nhiên, các hãng đánh giá tín dụng vẫn nghi ngờ EU có thể phản ứng quyết đoán để chặn khủng hoảng nợ.
Một bảng quảng cáo bán hàng thanh lý giảm giá đến 80% tại Nice, miền nam nước Pháp, ngày 13-12 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters ngày 19-12, các lãnh đạo EU tổ chức cuộc họp qua điện thoại vào 15g chiều giờ Brussels (Bỉ) để bàn tính khả năng tăng các khoản vay cho IMF, giúp tổ chức này hỗ trợ các nước có nguy cơ vỡ nợ. Bộ trưởng tài chính các nước khu vực đồng euro cũng sẽ xem xét dự thảo liên minh tài chính mới với hi vọng sẽ hoàn tất vào cuối tháng 1-2012.
“Họ cố gắng làm càng nhiều càng tốt trước Giáng sinh, nhưng không biết có thể thổi được không khí Giáng sinh vào thị trường hay không” - Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế Carsten Brzesky thuộc Tập đoàn ING của Bỉ nhận định. Trong khi đó, một số ý kiến đánh giá khu vực đồng euro sẽ khó tránh khỏi suy thoái trong năm 2012.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, trên tờ Financial Times, hối thúc các chính trị gia khu vực đồng euro cần nhanh chóng hành động để đưa Quỹ bình ổn tài chính châu Âu vào hoạt động, bởi bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ làm tăng thiệt hại cho khu vực. Nguồn tin từ một quan chức EU giấu tên tiết lộ các lãnh đạo châu Âu dự kiến rót khoảng 260 tỉ USD, trong đó 3/4 số tiền, tương đương 195 tỉ USD, sẽ do các nước khu vực đồng euro đóng góp, số còn lại là của các thành viên châu Âu khác.
Ngoài ra, ECB dự kiến trong tuần này sẽ tung ra các khoản vay dài hạn cho các ngân hàng đang gặp rắc rối với cuộc khủng hoảng nợ. Như vậy, thời hạn thanh khoản của các khoản vay sẽ được kéo dài thành ba năm thay vì một năm như trước đây. Giới quan sát cũng chờ đợi ông Draghi phát tín hiệu mua lại nợ công của các nước châu Âu nhằm xoa dịu thị trường.
Các bộ trưởng tài chính EU cũng thảo luận các biện pháp thắt chặt quản lý ngân sách được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh EU hôm 9-12. Các quy định mới sẽ giới hạn nghiêm ngặt các khoản vay của các nước thành viên châu Âu, cắt giảm nợ công nhằm tránh sự sụp đổ dây chuyền và khôi phục niềm tin trên thị trường. Tuy nhiên, những sửa đổi này dự kiến mất đến một năm trong khi giới đầu tư chờ đợi sự cam kết ngay lập tức.
Chi tiết các khoản đóng góp của mỗi thành viên châu Âu là một trong những chủ đề chính cuộc hội thoại của 27 bộ trưởng tài chính EU. Theo Financial Times, các lãnh đạo tài chính châu Âu đang tìm cách thuyết phục London đóng góp khoảng 40,5 tỉ USD cho kế hoạch này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhấn mạnh các khoản giải cứu tài chính là trách nhiệm của các thành viên khu vực đồng euro. “Tôi nghĩ Anh cần châu Âu và châu Âu cũng cần Anh” - ông phát biểu. Nếu đồng ý, Anh sẽ là nước đóng góp nhiều thứ hai sau Đức và bằng với Pháp. Bỉ cam kết hỗ trợ 12,4 tỉ USD, Đan Mạch 7 tỉ USD và Thụy Điển 14,3 tỉ USD. Một số nước khác đồng ý về nguyên tắc song không đưa ra con số cụ thể.
Hi vọng kêu gọi tiền từ bên ngoài châu Âu cũng rất thấp sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định Mỹ sẽ không đời nào tăng các khoản đóng góp cho IMF bởi sự chống đối trong quốc hội nước này. Tuần trước, Đức cho biết sẽ chỉ đóng góp tiền nếu các nước trong lẫn ngoài khối đồng euro đều tham gia.
Theo Tuoitre