Kiều hối chuyển vùng về nông thôn

Thứ ba, 20/12/2011, 00:54
Năm 2011, lượng kiều hối lên tới gần 9 tỉ USD. Nếu trước đây, kiều hối chủ yếu tập trung ở đô thị và có nhiều ở phía Nam thì nay chuyển mạnh về nông thôn với sự vượt lên của nhiều tỉnh Bắc và trung bộ.


 

Vốn để làm việc lớn

Cầm mẩu giấy ghi đầy đủ tên tuổi của con và mật mã riêng để lấy tiền, ngồi đợi trong phòng chờ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Phạm Văn Hồng (Ân Thi, Hưng Yên) vui mừng đợi đến lượt.

Ông tâm sự, cậu con trai ông đi xuất khẩu từ đầu năm 2010 ở Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, do ít công việc, có những tháng nghỉ tới một nửa thời gian nên hầu như lương chỉ đủ sống. Cuối năm nay, khi công việc đỡ hơn một chút nên con trai ông gửi về nhà hơn 50 triệu đồng để bố mẹ xây dựng công trình phụ cho gia đình.

Ông cho biết thêm: "Cả xóm có 3 anh em đi một đợt, tháng cuối năm này, dù không có nhiều nhưng ai cũng gửi cho gia đình một ít tiền. Đối với chúng tôi, đây là một khoản dành làm những việc lớn như xây dựng, tích lũy".

Gia đình có 5 anh em thì có tới 3 người sinh sống tại nước ngoài và đều đã lập gia đình riêng. Bà Nguyễn Thị Chiêm (Sở Dầu, Hải Phòng) tâm sự: các anh em của tôi cũng gửi tiền và quà về Việt Nam vào cuối năm. Ngoài cho các con, cháu tiền học, biếu người già thì mỗi người đều mua đất, mua nhà ở Việt Nam để sau này khi trở về có nhà cửa ổn định.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng lượng tiền được kiều bào chuyển về nước trong năm nay, nhất là những tháng cuối năm đang tăng mạnh. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Western Union khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố cuối tháng 11 vừa qua cũng cho thấy, với khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 quốc gia, trong đó khoảng 400.000 là lao động xuất khẩu, Việt Nam đã lọt vào top 10 các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Đồng tiền mồi hôi từ XKLĐ

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Như Lý - Giám đốc khu vực Đông Dương của Western Union, xu hướng gửi tiền về Việt Nam vẫn chủ yếu là hỗ trợ tài chính cho gia đình, người thân nên khá ổn định. Thống kê của WB cho thấy, có đến 90% lượng kiều hối lại chảy về khu vực nông thôn, nơi phần lớn những người lao động ra đi từ đó.

Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, khi mới vào Việt Nam, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ..

Ông Vũ Tuấn Hùng, Giám đốc Công ty Xây dựng Thịnh Phát nhận đinh,  phần lớn kiều hối đều là tiền của người đi xuất khẩu lao động ở nông thông gửi về. Một tỷ lệ không nhỏ trong đó sẽ được dành để trả nợ ngân hàng, vay mượn của họ trước đây. Số còn lại dùng để sửa sang nhà cửa, mua sắm những tài sản.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Australia, kiều hối là một kênh dẫn vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh cụ thể trong nước. Thì ở một số thị trường mới mang tính khơi nguồn từ năm 2005 như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, kiều hối chủ yếu tập trung chuyển về khu vực nông thôn.

Đây là những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam trong những năm gần đây. Kiều hối từ những thị trường này trực tiếp giúp cải thiện đời sống của gia đình của người đi xuất khẩu lao động và mang giá trị tích lũy cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Đánh giá thị trường kiều hối Việt Nam, ông Sudhesh Giriyan - Phó chủ tịch Công ty chuyển tiền kiều hối toàn cầu Xpress Money cho biết: "Việt Nam đứng thứ 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất trên toàn cầu. Thị trường kiều hối Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới".

Theo Vinacorp

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn