Điều này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần có sự can thiệp của Nhà nước để có giá hợp lý.
Như Laodong.com.vn đã có bài “Giá bán cao, NTNT ở Hà Nội bị ế” đăng ngày 14.12, phản ánh tình trạng nhiều dự án NTNT ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng ế nặng dù đã mở bán nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu là do giá quá cao (phổ biến ở mức 12 – 13 triệu đồng/m2) so với khả năng chi trả của những người dân thuộc đối tượng được mua căn hộ.
Trước vấn đề này, nhiều câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng là vì sao cùng một cơ chế ưu đãi như nhau (Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp về đất, thuế) nhưng giá NTNT ở miền Trung lại chỉ bằng một nửa ở Hà Nội? Bản thân vị Bộ trưởng cũng có thắc mắc về vấn đề này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, nhà ở Đà Nẵng và một số nơi khác do đã có hạ tầng, thậm chí xung quanh có đường, nhưng ở Hà Nội thì doanh nghiệp phải làm nhiều thứ. Chi phí ở Hà Nội cao hơn từ đền bù đến mặt bằng thị trường nhà ở, cho nên doanh nghiệp dễ đưa ra giá cao hơn. Cái này cần có sự can thiệp của Nhà nước để có giá hợp lý.
“Doanh nghiệp thì luôn muốn đẩy giá nhà lên cao - đến mức người dân chấp nhận được nhưng Nhà nước và người dân muốn kéo giá xuống, cho nên rất cần trọng tài của Nhà nước trong vấn đề này, thể hiện bằng sự hỗ trợ, can thiệp thêm về giá” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mặt khác, Bộ trưởng cho rằng, việc xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn vừa qua là làm để rút kinh nghiệm, còn lần này chúng ta ra một Chiến lược Phát triển nhà ở và thị trường BĐS - đó là quyết tâm hành động. Vị này cũng khẳng định phát triển nhà ở trong giai đoạn vừa qua được nhiều hơn nhưng tồn tại cũng không ít.
Theo Bộ trưởng, phát triển là phải như vậy, được nhiều nghĩa là tạo ra tài sản cố định rất lớn cho xã hội, tạo sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, nhiều lao động và bộ mặt đô thị ngày càng phát triển phù hợp với hội nhập quốc tế, khu vực. Song cái tồn tại như đã nói chúng ta phải khắc phục, đó là những mâu thuẫn, là động lực cho sự phát triển. Nếu chúng ta cái gì cũng tròn cả rồi thì không phát triển được.
Hơn nữa, chiến lược phát triển nhà ở và thị trường BĐS mà Chính phủ phê duyệt đã ra một cái khung trong đó Nhà nước xã hội và người dân đều có trách nhiệm chứ không riêng doanh nghiệp. Nhà nước sẵn sàng góp quỹ nhà của Nhà nước và hỗ trợ giúp doanh nghiệp có giá bán, cho thuê hợp lý. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể hỗ trợ thêm cho người thuê, người nghèo để có thể thuê nhà. Chính sách sẽ cụ thể tới từng đối tượng - 8 nhóm và sẽ được xây dựng trong năm 2012
Song, để hỗ trợ cho người khó khăn nhà ở, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở và phải làm tốt công tác quy hoạch. “Trước đây quy hoạch chúng ta không nói loại nhà ở gì. Nhưng lần này trong Nghị định phát triển đô thị mà Bộ sắp trình Chính phủ, sẽ đề cập, trong quy hoạch, đặc biệt quy hoạch phân khu và chi tiết phải rõ khu vực nhà ở xã hội, mà chỗ đó không thể sử dụng vào các mục đích khác.
Nếu là đất nhà ở xã hội thì đất đó phải được ưu tiên. Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả tiền giải phóng mặt bằng hoặc miễn thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng nhà ở xã hội thì huy động các nguồn lực đầu tư, trong đó Nhà nước có thể đầu tư bằng cách mua lại nhà của các doanh nghiệp làm, bằng bỏ vốn đầu tư ngân sách trực tiếp hoặc hình thức BT - đổi đất lấy công trình. Nhà nước sẽ quản lý quỹ nhà đó, bán giá rẻ cho các đối tượng ưu tiên trong chính sách hoặc cho thuê, vì nhu cầu thuê nhà ở rất lớn”. Bộ trưởng cho hay.
Theo Lao Động