Hàng loạt công ty chứng khoán mất thanh khoán, không có tiền trả cho nhà đầu tư khiến cho mọi người mới giật mình với các chiêu móc tài khoản, tùy tiện trong quản lý tiền nhà đầu tư của công ty chứng khoán.
Trong khi đó, quy định về tách bạch tài khoản thì không được thực thi.
Trước tình hình các CTCK SME, TAS, DDS mất thanh khoản không có tiền để chi trả cho NĐT rút tiền và nhiều CTCK đang gặp khó khăn về nguồn vốn thì vấn đề tách bạch tài khoản (TK) tiền của NĐT một lần nữa lại nóng lên. CTCK đã làm gì với tiền của NĐT? Cần phải có các chính sách gì để giải quyết được tình trạng này và lấy lại lòng tin cho các NĐT?.
Biến tướng do thiếu quản lý
Theo quy định tại điều 32 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/04/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK thì "CTCK phải quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng tách biệt khỏi chính tiền của CTCK".
Việc quy định với nội dung nêu trên vô hình chung được hiểu chung chung là CTCK muốn triển khai thế nào cũng được và dẫn đến hệ quả là tại nhiều CTCK khác nhau, các hình thức biến tướng khác nhau trong việc thực hiện "tách biệt" tiền của NĐT.
Cho đến thời điểm hiện tại sau hơn 4 năm ban hành quy định, có rất ít CTCK thực hiện việc "tách biệt" theo đúng nghĩa (TK tiền của NĐT mở tại Ngân hàng dịch vụ thanh toán). Hiện tại, mới chỉ có không đến 10 CTCK thực hiện kết nối với một ngân hàng làm dịch vụ thanh toán và mở TK tiền tách biệt cho NĐT tại ngân hàng.
Tại sao sau khoảng thời gian dài hơn 4 năm như vậy mà CTCK không triển khai thực hiện được quy định về tách biệt TK tiền của NĐT? Có khó khăn gì quá lớn tạo ra sự cản trở thực hiện quy định này trên thực tế? Để giải đáp các câu hỏi này, chúng ta cùng xem xét việc triển khai dưới góc độ kỹ thuật, lợi ích của CTCK trong việc tách bạch và tính khả thi của quy định:
Thứ nhất: Dưới góc độ kỹ thuật kết nối với ngân hàng thương mại (NHTM). Đúng là tại thời điểm ra đời quy định này năm 2007 thì hệ thống NHTM của Việt Nam còn đang trong quá trình mới triển khai hệ thống công nghệ core mới, các công nghệ kết nối và thanh toán đều bị thay đổi và gặp nhiều trục trặc.
Để kết nối, NHTM yêu cầu CTCK phải bỏ thêm chi phí mua thêm phần mềm kết nối (đóng vai trò là cổng giao tiếp) với phần mềm của NHTM. Vì về nguyên tắc, phần mềm của CTCK không được "chọc" vào hệ thống phần mềm của NHTM và ngược lại.
Do đó, cần phải có một phần mềm trung gian để "vớt" dữ liệu về giao dịch (tiền đặt lệnh) từ phía CTCK để "chuyển" về NHTM thực hiện phong tỏa tiền, sau khi khớp lệnh, thực hiện tự động trích tiền chuyển về CTCK, nếu không khớp, hết phiên giao dịch sẽ "nhả" tiền lại cho TK của NĐT.
Thứ hai: Về lợi ích của CTCK trong việc tách bạch. Tại thời điểm quy định trên ra đời, TTCK đang ở thời kỳ thịnh vượng (đạt đỉnh 1159 điểm tại ngày 05/3/2007) và liên tiếp tạo 2 đỉnh phụ tiếp theo 1085 điểm ngày 21/3 và 1104 điểm ngày 10/10. Trong thời kỳ này, số dư tiền hàng ngày của CTCK lên đến hàng trăm tỷ đồng và đối với CTCK lớn là hàng ngàn tỷ đồng.
Đây là số tiền rất lớn đối với CTCK. Do vậy, các CTCK chỉ thực hiện việc tách tiền của NĐT với tiền của CTCK dưới hình thức TK tổng. Cho đến hiện tại, theo Phó CT UBCKNN Nguyễn Đoan Hùng thì có CTCK có tới gần 40 TK tổng.
Về đặt thù hoạt động kinh doanh của CTCK, chúng ta xem xét hệ thống TK thanh toán tiền của CTCK bao gồm 2 loại TK: TK tiền của chính CTCK dùng để phục vụ các hoạt động của công ty như thanh toán thu chi tiền liên quan tới chi phí, tiền phục vụ tự doanh, thu về các khoản doanh thu. TK tiền của NĐT (vẫn đứng tên CTCK) dùng để thanh toán thu chi các hoạt động luân chuyển tiền của NĐT.
Với việc cả 2 loại TK này đều đứng tên chủ TK là chính CTCK và NHTM chỉ là đơn vị thực dịch vụ thanh toán thì việc sử dụng tiền thu chi ở TK nào là quyền của CTCK. Mà đồng tiền thì đâu có đánh dấu tiền nào là tiền của nhà đầu tư và tiền nào là của CTCK. Mọi việc làm xiếc bắt đầu từ đây.
Nguồn lợi CTCK hưởng, rủi ro dành cho NĐT
Với nguồn tiền lớn đến đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ như trên, nguồn lợi của CTCK là gì? Bình thường, với việc để số dư tiền của NĐT trên TK thì sẽ được NHTM trả lãi tiền gửi không kỳ hạn là 2,4%/năm thanh toán hàng tháng cho NĐT. Các CTCK chỉ cần lách đi theo một trong những phương thức sau thì lợi ích là rất lớn:
Đầu tư tiền gửi có kỳ hạn: Đây là phương thức hưởng chênh lệch đạo đức nhất. Chỉ cần CTCK chuyển qua phương thức gửi tiền theo tuần với lãi suất trước đây từ 8-9%/năm. Với số tiền dư thường xuyên là 100 tỷ đồng thì hàng năm CTCK cũng đã thu lợi từ chênh lệch này từ (trừ đi 2,4%/năm phải trả cho NĐT) từ 5,6-6,6 tỷ đồng. Số tiền dư của NĐT càng lớn thì khoản lợi nhuận từ hoạt động chênh lệch kỳ hạn này cũng sẽ tăng lên cùng cấp số.
Mượn tiền của NĐT để cho NĐT khác vay: Bình thường, khi cho vay, CTCK phải có tiền của chính mình và thực hiện chuyển tiền vào TK của NĐT để hợp tác kinh doanh. Nhưng với tốc độ tăng giá của TTCK và nhu cầu vốn của NĐT ngày càng cao vào thời điểm này thì với nguồn vốn kinh doanh hai ba trăm tỷ đồng (thậm chí lên đến 1000 tỷ đồng) của CTCK là không đủ đáp ứng vốn cho NĐT vay. CTCK chỉ cần làm một thao tác là khéo léo sử dụng tiền của NĐT này cho NĐT khác vay (khéo léo là vì phải tính toán giải pháp khi NĐT có tiền cần rút tiền ra).
Với việc thu xếp được giải pháp này, CTCK không cần phải đi vay NHTM với mức lãi suất cao và điều kiện cũng không dễ dàng gì để cho vay lại. Nếu CTCK chỉ cần sử dụng được bình quân 100 tỷ đồng nguồn vốn từ tiền của NĐT rảnh rỗi với mức lãi suất 2,4%/năm cho vay lại với mức lãi suất 14-15%/năm thì có thể dễ dàng cho ra lợi nhuận từ hoạt động này từ 11,6-12,6 tỷ đồng. Nguồn lợi này là quá lớn. Nếu số tiền có thể sử dụng được của NĐT là ba, bốn trăm tỷ thì hiệu quả thu về của CTCK là bao nhiêu?
Tài trợ chớp nhoáng cho hoạt động tự doanh: Có ai cấm đồng tiền nhảy từ TK tổng của NĐT qua tài trợ cho hoạt động tự doanh của CTCK? CTCK chỉ cần thực hiện một tác nghiệp đơn giản viết ủy nhiệm chi (UNC) chuyển tiền từ TK tổng của NĐT qua thẳng TK thanh toán bù trừ tự doanh của CTCK tại ngân hàng chỉ định thanh toán. Với hàng loạt "đội lái" mà CTCK hỗ trợ (trực tiếp hoặc gián tiếp) thì việc tham gia "cùng lái" vài ba mã chứng khoán cũng là điều khó cưỡng lại. Chỉ cần số tiền "mượn được" từ TK tổng của NĐT 50 tỷ thôi, và trong vòng T+4 tham gia "cùng lái" là CTCK cũng kiếm được 10-15% lợi nhuận. Mức sinh lời như vậy thì quả là quá hấp dẫn.
Các CTCK đều sử dụng một trong các phương thức sử dụng tiền trên TK tổng của NĐT như đã nêu trên, khác nhau là ở mức độ chiếm dụng (từ a đến c) hay quy mô chiếm dụng (ít hay nhiều). Ít thì vài chục tỷ, nếu nhiều lên đến hàng trăm và thậm chí cả ngàn tỷ.
Do vậy, khi TTCK suy giảm như thời điểm hiện tại, các CTCK gánh đòn về hệ quả từ nặng đến nhẹ như: Lỗ nặng vào vốn của CTCK (do chiếm dụng tiền tham gia tự doanh), không thanh toán được tiền cho NĐT ngày T+3 sau ngày bán chứng khoán hoặc nhẹ nhất là không còn số dư tiền để phục vụ cho hoạt động.
Thứ ba: Tính khả thi của các quy định của cơ quan quản lý. Qua hai vấn đề về kỹ thuật cũng như lợi ích của CTCK khi không tách bạch TK tổng, chúng ta có thể thấy vấn đề cùng song song tồn tại thời gian 4 năm qua là cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là UBCKNN) cũng chưa quyết liệt trong việc yêu cầu tuân thủ. Có thể lý do thứ nhất về khó khăn kỹ thuật chỉ là cái cớ để không thực hiện, còn nguồn cơn của nó phải nói là lợi ích từ vấn đề thứ 2.
Hiện nay, TTCK không còn nóng như những năm trước đây. UBCKNN cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu lại các CTCK. Có thể thấy đây cũng là vấn đề cần xử lý để các CTCK trở về hoạt động đúng chức năng của mình và không tạo ra sự lạm dụng cũng như củng cố niềm tin cho các NĐT trên TTCK VN.
Theo Vinacorp