Các cơ quan xếp hạng tín dụng từ lâu đã có tiếng là luôn đưa ra những quyết định theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng". Trong những năm qua, những cơ quan này luôn chậm trễ trong việc xác định giá trị các khoản nợ và khả năng phá sản, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng và cho vay thế chấp.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp, lại luôn bị ám ảnh về việc bị hạ mức xếp hạng tín dụng các khoản vay thế chấp. Liệu nếu Pháp thực sự bị hạ mức xếp hạng, thì có gây ra những ảnh hưởng quan trọng nào đối với nền kinh tế, hay vấn đề này chỉ đơn giản là niềm tự hào của quốc gia?
Những thông tin được công bố vào thứ Sáu tuần trước đã thực sự dấy lên mối lo ngại cho các quốc gia ở châu Âu. Các nguồn tin cho biết S&P có khả năng hạ mức xếp hạng tín dụng của Pháp ngay trong dịp Lễ Giáng sinh.
Một cơ quan xếp hạng khác là Moody đã giảm mức xếp hạng của Bỉ xuống tới hai cấp độ. Còn Fitch thì thông báo đưa Bỉ, Tây Ban Nha, Slovenia, Ý, Ireland, và đảo Sip vào một danh sách tiêu cực, một dấu hiệu cho thấy cơ quan này cũng sẽ sớm hạ cấp các quốc gia trên nếu thấy cần thiết. Fitch giải thích rằng, nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng tại khu vực Liên minh châu Âu đang "vượt ra ngoài tầm kiểm soát cả về mặt kỹ thuật lẫn chính trị".
Việc đánh giá xếp hạng của các cơ quan luôn chậm chạp và tỏ ra thận trọng khi chất lượng tín dụng tại các quốc gia trở nên xấu đi. Điều này đặc biệt đúng khi quyết định hạ mức tín dụng có liên quan đến vấn đề chính trị, như tình hình hiện tại của châu Âu. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, hành động hạ mức xếp hạng của các cơ quan này chỉ đơn giản là công bố những điều mà giới đầu tư đã biết từ lâu.
Tuy nhiên, có rất nhiều lý do để chính phủ các nước phản ứng tiêu cực với hành động hạ mức xếp hạng này. Chẳng hạn ở Pháp, tổng thống Nicolas Sarkozy hiện đang trong chiến dịch tái tranh cử đầy khó khăn và ông không muốn có thêm bất cứ một thông tin xấu nào nữa. Và việc hạ mức tín dụng cũng mang lại nhiều vấn đề tiều cực khác. Cho dù giới đầu tư có nhận thức tình hình ở châu Âu rõ ràng đến mức nào đi chăng nữa, những thông tin tài chính tồi tệ - như bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường.
Những vấn đề như việc đánh giá lại các khoản vay tín dụng và triển vọng kinh tế của đất nước, độ rủi ro tăng khiến người mua trái phiếu đòi hỏi mức lãi suất cao hơn để đảm bảo cho những khoản tiền của mình. Thêm vào đó, nếu một quỹ trái phiếu quốc tế muốn giữ rủi ro các khoản trong danh mục đầu tư ở mức trung bình, những quỹ này sẽ giảm việc dự trữ những loại trái phiếu bị hạ cấp.
Nếu mức xếp hạng trái phiếu của một doanh nghiệp bị hạ, sẽ chỉ có công ty đó chịu ảnh hưởng. Nhưng trong khu vực đồng Euro, các mối quan hệ tài chính rất đa dạng và phức tạp, vì vậy những thiệt hại tiềm tàng của việc hạ cấp tín dụng là rất khó lường.
Có 3 vấn đề chính sẽ ảnh hưởng đến châu Âu nếu hàng loạt các nước trong khu vực bị hạ mức xếp hạng tín dụng:
Chi phí vay cao hơn.
Đối với tất cả đối tượng, từ công ty cho đến các quốc gia. Mức xếp hạng tín dụng càng thấp, lãi suất cho vay sẽ càng cao. Nhưng đối với hầu hết các quốc gia đang trong tình trạng sắp vỡ nợ tại châu Âu, điều này cũng giống như một vòng luần quẩn. Nếu nợ quốc gia lớn hơn 100% GDP/năm của nước đó, chỉ cần lãi suất tăng với một tỉ lệ rất nhỏ là đồng nghĩa với việc tăng thêm hàng tỉ USD tiền lãi suất cho các loại trái phiếu cũ và mới được bán ra.
Điều này đã trở thành hiểm họa đối với nước Ý, quốc gia đáng ra vẫn có thể kiểm soát được các khoản nợ của mình nều lãi suất duy trì ở mức thấp. Thế nhưng, thực tế nước Ý phải tái huy động hơn 100 tỉ USD nợ trong 3 tháng tới và mức lãi suất đã ở mức rất cao, nhiều lúc lên tới hơn 7%. Trong ngắn hạn, việc hạ mức tín dụng sẽ khiến mức lãi suất này tăng cao hơn nữa, đồng nghĩa với các khoản tiền phải trả thêm cho mỗi trái phiếu bán ra, và đẩy quốc gia này vào nguy cơ tiếp tục bị hạ mức xếp hạng tín dụng lần nữa.
Đóng băng hệ thống cho vay của ngân hàng.
Sự không chắc chắn hình thành do việc hạ mức xếp hạng tín dụng sẽ gây ra những vấn đề tài chính khác. Các ngân hàng sẽ liên tục phải vay tiền của nhau bởi sự cân bằng giữa các khoản nợ và tiền họ đang nắm giữ cũng liên tục thay đổi. Và khi các ngân hàng bắt đầu lo ngại về thiệt hại của trái phiếu các nước châu Âu, họ sẽ từ chối cung cấp các khoản vay nóng. Điều này sẽ dẫn tới việc đóng băng thị trường tiền tệ.
Gánh nặng đè lên người nộp thuế.
Một hình thức vô hình của sự suy giảm tài chính là nó cũng xảy ra bởi những nhà đầu tư khu vực tư nhân hiện đang tìm cách ngừng nắm giữ trái phiếu rủi ro cao của châu Âu, và các cơ quan chính phủ đang phải mua lại lượng trái phiếu này.
Cho dù những nhà đầu tư đơn lẻ đang tìm kiếm những nơi an toàn hơn để giữ tiền của mình hay các ngân hàng đang cố gắng để đối mặt với những rủi ro cao hơn, thì có một thực tế rằng những người sẵn sàng đầu tư vào trái phiếu của châu Âu ngày càng mất đang niềm tin. Và như vậy, để ngăn chặn lãi suất cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nhiều lần phải can thiệp vào thị trường và mua lại trái phiếu chính phủ.
Thêm vào đó, một số câu truyện gần đây kết luận rằng ECB hiện có thể đang nợ ngân hàng Trung ương Đức khoảng 500 tỉ USD từ những khoản vay ngắn hạn được dùng để hỗ trợ tài chính cho châu Âu. Với các khoản nợ như vậy, nói cách này hay cách khác, những người dân nộp thuế ở châu Âu hay Mỹ có khả năng sẽ trở thành nạn nhân của vấn đề này.
Như vậy, việc hạ mức xếp hạng tín dụng không chỉ đơn thuần là việc đánh giá lại những vấn đề xảy ra trong thực tế. Quyết định hạ cấp thực sự sẽ trở thành một phần, khiến cho tình hình kinh tế ở khu vực châu Âu ngày càng trở nên tồi tệ hơn, và có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát nều chính phủ các nước trong khu vực không nhanh chóng đưa ra một biện pháp để giải quyết vấn đề.
Thế nhưng, hội nghị thượng đỉnh châu Âu vừa qua lại không thực sự đưa ra được một biện pháp mang tính khả thị nào, mà chỉ khiến mọi người nhận thức rõ ràng vấn đề đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn
Theo VEF