Siết và xoay

Thứ năm, 22/12/2011, 03:46
Dù rằng từ đầu tháng 12 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp bơm ròng hàng ngàn tỷ đồng trên thị trường mở, nhưng việc NHNN khống chế tăng tín dụng nên tổng phương tiện thanh toán hiện nay vẫn không tăng.

Điều này cũng chứng tỏ, nhu cầu cung ứng vốn của doanh nghiệp (DN) những ngày cuối năm cũng không có nhiều thay đổi.


 

Ngân hàng bị siết

NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 37 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của NHNN đối với các tổ chức tín dụng.

Theo đó, trong thời gian vay tái cấp vốn tại NHNN, định kỳ hàng ngày, các NH phải báo cáo hoạt động, nguồn vốn và sử dụng vốn cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi NH đặt trụ sở chính.

Khi Thông tư được ban hành, nhiều chuyên gia đã ủng hộ với quyết định này của NHNN vì cho rằng đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Một là, có không ít NH đang thiếu thanh khoản vay tái cấp vốn từ NHNN 4.000-5.000 tỷ đồng rồi dùng vốn này đầu tư, cho vay thông qua các công ty con của mình. Hai là, trước tình trạng một số NH vay trên thị trường 2 kỳ hạn ngắn rồi cho vay trên thị trường 1 dẫn đến rủi ro thanh khoản càng gia tăng.

Do vậy, NHNN cho biết sẽ không chỉ kiểm soát dòng vốn vay từ tái cấp vốn, mà còn dự kiến có những quy định giám sát chặt dòng vốn vay giữa các NHTM với nhau.

Tuy nhiên, với quy định này, NHNN cũng nói rõ rằng những NH nhỏ bị mất cân đối vốn trên thị trường do thiếu thanh khoản sẽ được tái cấp vốn, nhưng vẫn phải chịu lãi suất cao hoặc bị siết chặt đầu ra của dòng vốn vay tái cấp vốn.

NHNN làm như vậy để đưa hoạt động vay và cho vay trên thị trường 2 đi vào nề nếp và dòng vốn tín dụng NH được sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi “sức khỏe” của các NHTM không tốt ngay thời điểm bước vào mua cao điểm thanh khoản cuối năm thì người gặp khó nhất vẫn là DN. Bởi thực tế có nhiều NH do cạn “room” tín dụng đã đóng cửa cho vay đối với cả vốn lưu động của DN.

Doanh nghiệp phải cố xoay

Theo số liệu NHNN công bố, 2 tuần đầu của tháng 12, trên thị trường liên NH giao dịch bằng USD kỳ hạn qua đêm có doanh số giao dịch lớn nhất. Nguyên nhân do bình quân lãi suất kỳ này giảm nhẹ đối với các kỳ hạn qua đêm, 2 tuần, 2 tháng và trên 12 tháng; các kỳ hạn 1 tuần và 3 tuần lãi suất giảm tương đối.

Ngoài ra, thị trường ngoại hối diễn biến theo xu hướng ổn định, trạng thái và doanh số mua bán ngoại tệ của các NHTM tiếp tục được cải thiện.

 

Theo Hội nghị tổng kết 2011 và triển khai nhiệm vụ 2012 của ngành NH, cả năm 2011, tổng phương tiện thanh toán tăng 10%, tín dụng tăng 12-13%, trong đó VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%. Theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay dự kiến chỉ ở mức 12-13%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã điều chỉnh là 15-16% và là mức thấp chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành NH.

Định hướng 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%. Điểm mới trong chính sách tín dụng năm 2012 đó là chỉ tiêu tăng trưởng sẽ phân bổ theo chất lượng hoạt động của từng NH.

Hiện tỷ giá niêm yết mua, bán VNĐ/USD của các NHTM vẫn phổ biến 21.005 - 21.011 đồng/USD, chênh lệch với thị trường tự do chỉ 20 - 30 đồng. Giải pháp các DN này có thể tính tới là mua ngoại tệ giá cao trên thị trường tự do vào nộp NH để chuyển thanh toán cho đối tác bán hàng.

Dù vậy, nhưng số DN được vay USD thời điểm này vẫn không nhiều vì thời điểm cuối năm nên NH nào cũng lo phòng thủ tiền mặt dự trữ để bảo đảm thanh khoản trong bối cảnh giao dịch vay mượn trên thị trường liên NH đang khắt khe hơn. NH dù có tiền vẫn sẽ không dám đẩy vốn cho vay.

Do vậy, điều các DN kỳ vọng hiện nay là bên cạnh việc quản lý chặt dòng tiền trong NHNN cũng phải cần chú ý lãi suất tiền đồng ở NH sớm hạ nhiệt để có thể vay vốn phục vụ sản xuất những đơn hàng trong quý I/2012.

Bên cạnh đó, NHNN cần có cơ chế hỗ trợ để DN tiếp cận được vốn nhằm đầu tư cho sản xuất. Nói như thế vì một số DN cho rằng, trong ngắn hạn việc giảm trần lãi suất huy động nếu có cũng chưa thể giúp giảm nhanh lãi suất cho vay, bởi vấn đề không phải là lãi suất mà còn ở nguồn vốn để cho vay.


Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn