Saigonnews - Quá trình tái cấu trúc luôn diễn ra, không chỉ riêng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn dưới sự tác động của phát triển khoa học công nghệ, năng lực quản lý.
Hôm qua ngày 21/12 tại trung tâm Hội nghị Quốc tế đã diễn ra hội thảo về :” Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”.
TS Nguyễn Hồng Sơn- Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế -ĐHQGHN nhận định về phương thức tái cấu trúc rất đa dạng: Điểu chỉnh hoặc xây dựng khung khổ pháp luật ( luật phá sản, luật về mua bán và sát nhập, quy định về giải quyết tranh chấp…) và các cơ chế, chính sách cho điều tiết ( Bảo hiểm tiền gửi. trích lập dự phòng, quy định vốn tối thiểu, chuẩn mực kế toán phù hợp với quốc tế…); Thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quá trình tái cấu trúc; Xử lý nợ khó đòi hay nợ không hiệu quả; Tái cấp vốn (Chính phủ bơm vốn hoặc mua cổ phiếu nắm giữ quyền quản lý; Sáp nhập các ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài hoặc các ngân hàng trong nước với nhau; Thay đổi cơ cấu sở hữu; Xử lý nợ doanh nghiệp (thông qua công ty mua bán nợ…); Đổi mới quản trị, công nghệ và nhân lực…
Theo kết quả một số nước sau khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đối với các tổ chức tài chính yếu kém như: Indonesia đóng cửa 64 ngân hàng(18%), nhà nước mua 12 NHTM(20%), 4 trong 7 ngân hàng nhà nước được sáp nhập thành 1 ngân hàng(54%), hay Thái lan có 57 công ty tài chính(11%),1 NHTM bị đóng cửa, Nhà nước mua 7 NHTM (13-15%), 12 công ty tài chính (2.2%), sáp nhập 5 NHTM và 13 công ty tài chính thành 3 ngân hàng(20%).
Ông Sơn cũng đưa ra những khó khăn và rủi ro của việc thực hiện tái cấu trúc như: Rủi ro kéo dài, không dứt điểm do thiếu cơ sở luật pháp, khoa học; Rủi ro lệ thuộc vào ngân hàng nước ngoài do tỷ lệ các ngân hàng ở trong tình trạng thanh khoản và có tài sản xấu chiếm tỷ trọng lớn, số lượng ngân hàng hoạt động hiệu quả có khả năng mua lại, thâu tóm ít hơn nhiều so với số lượng các ngân hàng yếu kém; Rủi ro mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng do những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước có thể có cơ chế bảo lãnh ngầm đối với người gửi tiền; Khó khăn do những mâu thuẫn về lợi ích phát sinh trong quá trình tái cấu trúc, những mâu thuẫn có liên quan đến lợi ích của người gửi tiền, lợi ích của nhóm cổ đông khác nhau; Khó khăn do những chi phí phát sinh trong quá trình tái cấu trúc và khả năng chịu đựng của kinh tế; Rủi ro “ Quá lớn để không thể sụp đổ” do một số ngân hàng sẽ trở nên “ quá lơn” hay “ quá quan trọng” sau tái cấu trúc.
Tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam là quá trình phân bổ lại các nguồn lực: Tài chính; Hoạt động(Nhân lực, tổ chức, bộ máy…); Thể chế (Khung khổ luật pháp, điều tiết,theo dõi,giám sát,đánh giá…); Cấu trúc(sở hữu, tài sản…) nhằm đảm bảo cho hệ thông ngân hàng hoạt động vững mạnh, hiệu quả; Tạo được tác động lan tỏa tích cực đối với các ngành kinh tế khác.
Bên cạnh đó quá trình tái cấu trúc cần theo những chuẩn mực về nguyên tắc như: Đảm bảo niềm tin vào hệ thống; Tốc độ cải cách hợp lý với chi phí tối thiểu; Tôn trọng quy luật thị trường.
Theo ông Trương Đình Tuyển- Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại quá trình tái cấu trúc luôn diễn ra liên tục, không chỉ riêng trong thời kỳ khủng hoảng, nó diễn ra dưới sự tác động của phát triển khoa học công nghệ, năng lực quản lý, do đó Nhà nước khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần ban hành những chuẩn mực quản trị ngân hàng để họ theo quy chế đó tự các ngân hàng tái cấu trúc vì đặc điểm cũng như điều kiện của từng ngân hàng là khác nhau.