Đầu tuần này, Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra đột xuất bốn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Trước đó, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kết luận báo cáo tài chính của tập đoàn Điện lực (EVN). Không hẹn mà gặp, ở những tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước lớn đều phát hiện ra hàng loạt các quy định của Nhà nước bị làm trái, nhất là trong lĩnh vực quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Dù phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm hàng loạt các quy định về quản lý doanh nghiệp, khiến việc kinh doanh xăng dầu chín tháng đầu năm từ lãi biến thành lỗ, nhưng kết luận của Bộ Tài chính khiến không ít người ngạc nhiên. “Kết quả kiểm tra chỉ là lời cảnh báo và cũng là nhằm yêu cầu doanh nghiệp thực hiện cho đúng. Bộ Tài chính chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã nói như vậy tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra kinh doanh xăng dầu tại bốn doanh nghiệp đầu mối hôm 19-12.
Kết luận này khác hẳn với những tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hồi trung tuần tháng 9, khi ông quyết làm rõ thực hư chuyện lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, không để các doanh nghiệp đầu mối là công cụ của Nhà nước lại gây sức ép với Nhà nước.
Cho dù từ ngữ trong văn bản của đoàn kiểm tra đột xuất do Bộ Tài chính lập cách đây ba tháng là nhằm “rà soát giá vốn các mặt hàng nhập khẩu trong kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” thì bản chất của việc cơ quan quản lý vào cuộc cũng là nhằm kiểm tra việc doanh nghiệp có thực hiện đúng các quy định của Nhà nước hay không. Do vậy, việc làm rõ đúng- sai trong điều hành doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng để lập lại trật tự kinh doanh, nhất là với các mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu như xăng dầu, chứ không thể nói là làm cho biết.
Thực tế kết quả kiểm tra cho thấy, ở Petrolimex, đơn vị thống lĩnh thị trường xăng dầu cùng ba doanh nghiệp đầu mối khác, việc làm trái các quy định của Nhà nước về kinh doanh (chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tại một số thời điểm cao hơn định mức) là rất rõ.
Tính riêng từ đầu năm đến ngày 30-6, Petrolimex kinh doanh xăng dầu lỗ hơn 1.800 tỉ đồng (tính cả phần lỗ do tỷ giá), trong đó có 516 tỉ đồng lỗ do tính chi phí vượt định mức, do phần thù lao cho đại lý cao. PV Oil cũng bị lỗ 147 tỉ đồng/346 tỉ đồng vì lý do tương tự. Ngược lại cùng thời điểm, Saigon Petro có lãi 156 tỉ. Giai đoạn tiếp theo (1-7 đến 26-8), Petrolimex báo lãi 130 tỉ, Saigon Petro báo lỗ. Hai doanh nghiệp khác cũng báo lỗ vài chục tỉ nhưng nếu tính lại theo đúng quy định của nhà nước về chi phí kinh doanh định mức thì không có chuyện lỗ được.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đều cho rằng chi phí kinh doanh theo định mức quy định tại Thông tư 234/2009 của Bộ Tài chính (tối đa là 600 đồng/lít) nay đã lạc hậu do các yếu tố đầu vào tăng, chi phí tài chính tăng cộng với việc một số doanh nghiệp đã và đang tiếp tục mở rộng mạng lưới cung ứng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, dù có bất hợp lý (nếu đúng), nhưng một khi quy định chưa được sửa đổi thì quy định vẫn là quy định, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ. Việc lách các quy định quản lý theo hướng tăng hoa hồng cho đại lý, tổng cộng hơn 500 tỉ đồng trong sáu tháng ở Petrolimex vẫn là làm trái các quy định của Nhà nước.
Chưa hết, việc chuyển lãi thành lỗ do chi hoa hồng vượt định mức cho các đại lý, đồng thời là các công ty con của Petrolimex, vừa cho thấy sự độc quyền, khép kín trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước vừa chứng minh sự kém hiệu quả trong kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Và cách làm này ở Petrolimex không phải là mới xuất hiện trong năm 2011. Trong bản cáo bạch (khi tiến hành cổ phần hóa hồi tháng 8 vừa qua), Petrolimex cho biết chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng không ngừng, trung bình 24%/năm tính từ năm 2008 đến nay. Với thị phần trên 60% và lượng tiêu thụ rất lớn (khoảng 8,8 tỉ lít xăng dầu/năm), chỉ cần Petrolimex tiết giảm chi phí từ 50-100 đồng/lít hay nói khác đi là làm đúng quy định thì chi phí của doanh nghiệp đã giảm đến vài trăm tỉ đồng/năm, đúng như kết luận của đoàn kiểm tra.
Câu hỏi đặt ra là các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, thuế, kiểm toán hàng năm đều tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước tại doanh nghiệp tại sao lại cho qua và nay tiếp tục cho qua những vi phạm này bằng hình thức “cảnh báo và nhắc nhở”.
Còn nếu như cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng những quy định đặt ra đã không còn phù hợp thì nên sửa ngay cho phù hợp với môi trường kinh doanh đang thay đổi. Lẽ nào Nhà nước cứ làm ngơ để doanh nghiệp cố ý làm trái quy định, rồi lại “nhắc nhở chứ không xử phạt”?
Quản lý ở EVN cũng trái với quy định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá điện bình quân khoảng 5% kể từ ngày 20-12. Dù mức tăng không cao nhưng việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong những tháng tới. Trong khi đó, những kết luận mới đây của Kiểm toán nhà nước về tình hình kinh doanh ở EVN đã khiến dư luận lo ngại rằng liệu có phải xã hội đang gánh chịu những hệ lụy từ việc làm trái quy định nhà nước của EVN? Số lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN năm 2010 là 8.400 tỉ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới đây, chủ yếu từ việc mua điện giá cao và bán dưới giá thành (cho dù không làm rõ con số lỗ từ sản xuất và lỗ từ kinh doanh). Tuy nhiên con số này không đáng chú ý bằng việc báo cáo tài chính của EVN lại xác định số lỗ đó chỉ là 662,7 tỉ đồng, thấp hơn 12,68 lần so với kết quả kiểm toán. Cũng ít khi có kết quả kiểm toán nào ở doanh nghiệp mà con số chênh lệch giữa báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán lại lớn đến vậy. Người ta có quyền đặt câu hỏi năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý tài chính kế toán ở EVN như thế nào mà dẫn đến sự chênh lệch lớn như vậy. Hơn nữa, với năng lực quản lý đó mà mỗi năm được vay và phân bổ hàng tỉ đô la để đầu tư, phát triển ngành điện thì hậu quả, sai lệch có thể còn lớn đến đâu. Ngoài thua lỗ từ ngành chính, phớt lờ sự cảnh báo của các cơ quan từ năm 2008 đến nay, EVN tiếp tục giữ vốn đầu tư ngoài ngành gần 50.000 tỉ đồng mà không có kế hoạch thoái vốn nhưng lợi nhuận không đáng kể hoặc thua lỗ hơn 1.000 tỉ đồng ở EVN Telecom chỉ riêng năm 2010 và chuyển lỗ hơn 1.000 tỉ đồng khác sang các tổng công ty điện lực để giảm bớt nợ nần. Những hành động như vậy ở EVN có thể gọi là gì nếu không phải là cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Và với chừng đó sai phạm mà chỉ kiến nghị xử lý tài chính 127 tỉ đồng, không quy trách nhiệm cho lãnh đạo hay cá nhân nào ở EVN cũng là một dấu hỏi cho kiểm toán. |
Theo TBKTSG