Dấu hỏi ngỏ cho chất lượng Nghị quyết ĐHCĐ

Thứ năm, 22/12/2011, 10:11
Nhìn vào việc nghiễm nhiên coi là đồng ý của PVL hay việc cổ đông nhỏ lẻ không đưa ra tiếng nói như ở SJC, BHV… thì chất lượng của bản Nghị quyết ĐHCĐ cần được xem xét lại.


 

PVL thông qua việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh về gần bằng mức hòa vốn trong khi ĐHCĐ thường niên thông qua mức lãi 98 tỷ đồng với 2,03% có ý kiến đồng ý. 83,59% cổ đông không gửi lại phiếu ý kiến và 13,26% không có địa chỉ rõ ràng, ĐHCĐ nghiễm nhiên coi là đồng ý. Điều này hoàn toàn không trái với luật doanh nghiệp cũng như điều lệ hoạt động của công ty.

ĐHCĐ của SJC không đến mức chỉ có 2,03% có ý kiến đồng ý như PVL nhưng cũng không khỏi khiến thị trường đặt câu hỏi ngỏ về vai trò của cổ đông nhỏ lẻ. 251 phiếu lấy ý kiến phát ra, 69 phiếu gửi lại ý kiến trong đó 68 phiếu thuận tương đương 71,18% cổ phần và 1 phiếu chống tương đương tỷ lệ 0,03%. 402 phiếu tương ứng 25,6% số cổ phần có quyền biểu quyết không gửi lại phiếu; 50 phiếu không gửi lại do không có địa chỉ, số điện thoại. Vì tổng số phiếu tán thành và không gửi lại đạt tỷ lệ 96,7% nên SJC thông qua giảm 19% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Nghị quyết ĐHCĐ lấy ý kiến bằng văn bản của BHV cũng không mấy sáng sủa hơn. 325 phiếu gửi đi chỉ thu về được vỏn vẹn 36 phiếu trong đó chỉ có 33 phiếu hợp lệ. Số phiếu hợp lệ này đại diện cho 74,72% quyền biểu quyết và thông qua kiến nghị của HĐQT về giảm kế hoạch kinh doanh. 24 phiếu không gửi được do không rõ địa chỉ và 266 phiếu bỏ quyền và không gửi ý kiến.

Cổ đông hiện hữu bỏ quyền không phải là câu chuyện mới. Mùa đại hội cổ đông năm 2011 (tổ chức họp) có không ít doanh nghiệp phải tổ chức ĐHCĐ đến lần thứ 3 mới thành do số lượng cổ đông tham dự không đủ theo luật định. Còn càng về cuối năm, khi hình thức xin ý kiến cổ đông bằng văn bản được nhiều doanh nghiệp áp dụng do tính tiện lợi của nó được dùng thì câu chuyện cổ đông hiện hữu bỏ quyền lại nóng hơn cả khi tổ chức họp.

Một điểm cần lưu ý là đa phần Nghị quyết ĐHCĐ mà doanh nghiệp gửi lên cơ quan chức năng không đính kèm Biên bản buổi họp/ biên bản kiểm phiếu. Như trong trường hợp của PVL, BHV, nếu nhà đầu tư chỉ được đọc Nghị quyết ĐHCĐ đăng tải trên HNX sẽ dễ bị nhầm tưởng đây là một đại hội thành công mỹ mãn với việc cổ đông ‘nới tay’ với kế hoạch kinh doanh mà HĐQT đề đạt.

Nghị quyết ĐHCĐ được thông qua dễ dàng như trong trường hợp của PVL trở thành câu chuyện báo động cho chất lượng thông tin mà nhà đầu tư nhận được từ doanh nghiệp. Hiển nhiên, với những cổ đông mới muốn tìm hiểu để đầu tư và chỉ đọc bản Nghị quyết cuối cùng trên Sở GDCK thì sẽ gây ra không ít hệ lụy.

Các Nghị quyết của PVL, SJC hay BHV đều không trái với luật cũng như điều lệ của công ty. Tuy nhiên, nhìn vào việc nghiễm nhiên coi là đồng ý của PVL hay việc cổ đông nhỏ lẻ không đưa ra tiếng nói như ở SJC, BHV… thì chất lượng của bản Nghị quyết ĐHCĐ cần được xem xét lại.

Theo TTVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn