Không để EVN tự tung tự tác với giá điện

Thứ năm, 22/12/2011, 10:02
Xăng dầu, nước sạch, thậm chí vé xe buýt, vé trông giữ xe máy... đều thuộc diện nhà nước quản lý. Vì thế, giá điện không thể trao quyền tự quyết cho DN.


 

Mỗi quý tăng giá 5%?

Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế khi nhận được thông tin EVN bất ngờ công bố tăng giá điện với một thông báo ngắn gọn, thời gian thực thi có một ngày. Các chuyên gia nhấn mạnh, với một mặt hàng quan trọng như điện và lại đang kinh doanh độc quyền thì không nên trao quyền tự quyết cho DN.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, không nên để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như những ngành nghề độc quyền, mang tính xã hội có quyền quyết định tăng giá. Chỉ cần 10 lần tăng 5% thì mức tăng sẽ là 50% và như vậy giá điện có còn hợp lý?

Bà Phạm Chi Lan cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng một mặt hàng quan trọng như điện thì không nên trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp với bất cứ tỷ lệ % nào.

"Nếu lần này điều chỉnh tăng 5% êm thấm thì rất có thể là khởi đầu cho những lần tăng khác. Rồi theo cơ chế đựoc phép hiện nay, nếu mỗi quý EVN tăng 5% thì cộng lại, mức tăng sẽ như thế nào?", bà Lan lo lắng.

Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nếu kinh doanh điện đã có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, trong đó có nhiều người bán, thì EVN có muốn tăng giá điện cũng phải nhìn ngó các nhà cung cấp khác. Nếu tự ý tăng giá cao hơn, người tiêu dùng sẽ không mua điện của EVN nữa mà chuyển sang mua của nhà cung cấp khác, vì vậy việc quyết định tăng giá dù có muốn và có quyền tự quyết cũng khó có thể thực hiện được.

Thay vào đó để có thể cạnh tranh, buộc EVN phải đánh giá lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, xem xét lại  cơ cấu giá thành, rà soát các chi phí hoạt động... đặt ra những câu hỏi như vì sao phải tăng giá bán điện, tăng giá như vậy có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, sự tồn tại của DN... và tìm lời giải ngay lập tức. Khi phát hiện ra các bất hợp lý làm đội giá thành sẽ phải đưa ra giải pháp điều chỉnh để tránh tăng giá sản phẩm nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện nay điện vẫn là thị trường độc quyền chỉ có 1 người bán duy nhất là EVN. Điều ai cũng hiểu là khách hàng không mua điện của EVN không thể mua của người khác được. Vì vậy có thể nói EVN muốn làm gì mà chẳng được.

Tăng giá: Chiếc phao cứu thua lỗ

Báo cáo kiểm toán vừa qua của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ là 49.996 tỷ đồng. Vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận rất thấp, chỉ đạt 541,5 tỷ đồng, tính ra chỉ ở mức 1,08 %, thấp hơn nhiều so với gửi ngân hàng. Yêú kém nhất trong đầu tư của EVN là vào lĩnh vực viễn thông với những khoản lỗ trầm trọng lên đến 1.057,7 tỷ đồng.

Kinh doanh yếu kém, nhưng thu nhập của nhân viên ngành điện lại cao ngất. Thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng, khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng, khối phân phối điện 7,9 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), năm 2010 có lãi tới 11.200 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

 

 

Tập đoàn Than khoáng sản (Vinacomin),  năm 2010 lãi hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân của người lao động chỉ ở mức khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Các công nhân mỏ tay nghề cao mới đạt mức lương trên 8,5 triệu/tháng.

Các nhân viên trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông và Than khoáng sản nhiều người cũng phải làm việc vất vả không kém gì nhân viên EVN thậm chí còn hơn như công nhân mỏ luôn phải làm việc trong môi trường hầm lò, độc hại.

Chỉ có thể kinh doanh trong thị trường độc quyền thì EVN mới làm ăn kiểu như vậy. Vào môi trường cạnh tranh với kết quả kinh doanh như trên chắc chắn EVN khó có thể tồn tại.

Trong hoàn cảnh như vậy, việc trao cho EVN quyền tự quyết về giá, có thể tăng giá điện 5% mà không cần xin phép Chính phủ, không khác gì quăng ra một cái phao cho họ bấu víu, không bao giờ bị chết chìm mà chẳng cần tự bơi.

Chắc chắn EVN sẽ chẳng cần phải làm ngay những công việc mang ý nghĩa sống còn đối với DN như tinh gọn bộ máy nhân sự, cắt giảm các công đoạn thừa, loại bỏ các chi phí không cần thiết, tránh đầu tư bừa bãi và thiếu hiệu quả, thậm chí cũng chẳng vội tìm giải pháp hạ thấp tỷ lệ tổn thất điện năng vốn đang cao nhất khu vực, để làm giảm giá thành và không phải tăng giá bán.

Tất cả mọi chi phí cứ việc chuyển vào giá, thua lỗ lại tăng giá. Mỗi quý 1 lần tăng 5%, với 10 lần như vậy là bù đắp đủ mọi thua lỗ.

Tất cả chuyển sang khách hàng gánh chịu mà chẳng cần phải lo lắng bởi làm gì có đối thủ cạnh tranh. Chỉ có điều làm như vậy thì giá điện ngày một tăng cao. Giá điện cao sẽ được tính vào giá thành các sản phẩm, giá thành tăng làm lạm phát tăng, sản xuất và tiêu dùng cũng như đời sống xã hội thêm khó khăn.

Các chuyên gia kiến nghị không thể trao quyền tự quyết về giá một mặt hàng rất quan trọng với kinh tế xã hội đất nước cho 1 DN kinh doanh yếu kém như EVN vốn lại đang độc quyền, bởi như vậy rất không an toàn.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, thời gian tới, các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt hơn việc tăng giá này. Lộ trình tốt nhất cho EVN và cho các ngành độc quyền khác là phải kiểm soát. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, Nhà nước cần phải kiểm soát từng mức tăng một.

Nếu chưa có cơ chế tăng giá hợp lý, công khai, Nhà nước phải kiểm soát hết. Còn nếu có công thức tính giá và mọi thứ đã minh bạch thì doanh nghiệp được tăng theo các yếu tố khách quan và phải có giải trình, giải thích một cách minh bạch.

Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn