Theo một số chuyên gia, ngành điện lương cao mà thua lỗ thì phải cầnnghiêm khắc. Ảnh: Quỳnh Anh.
Ngồi văn phòng hưởng lương 30 triệu: Không ổn
Theo bà Lan, sau khi Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh bức xúc về việc lương bình quân của cán bộ ngành điện năm 2009 chỉ ở mức 7,3 triệu đồng/tháng đã làm cho cả xã hội bất bình về việc một đơn vị có lương cao mà vẫn kêu “không thể sống ở đô thị”; vậy những ngành khác thấp hơn sẽ sống kiểu gì.
Mức thu nhập bình quân của cán bộ văn phòng công ty mẹ tới gần 30 triệu đồng/tháng, theo công bố của kiểm toán nhà nước, càng khiến người dân bất bình. Nếu EVN kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận, tối thiểu là hòa chứ không phải lỗ, không cắt điện thiếu điện tùm lum gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp thì họ hưởng mức lương như vậy là chấp nhận được.
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri trả lời câu hỏi của bạn đọc trong buổi giao lưu trực tuyến về giá điện: “Tiền lương các đơn vị của EVN được thực hiện theo đúng chế độ quy định của Nhà nước.
Kỹ sư công nhân ngành điện được hưởng một số chế độ riêng biệt so với các ngành nghề khác như phụ cấp an toàn điện, độc hại nặng nhọc, nơi miền núi khó khăn.
Mỗi nghề đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định và điều kiện lao động khác nhau. Nói “khủng” thì tôi không hiểu theo bạn như thế nào là mức lương “khủng”. |
Với công ty tư nhân, khi thua lỗ thì tổng giám đốc, ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm đầu tiên và có thể bị sa thải. Do đó, Chính phủ cần thay mặt người dân có thái độ, không thể để như vậy được. Chiều chuộng doanh nghiệp độc quyền như vậy là quá đáng.
“Nhà nước rất cần có thái độ nghiêm túc, thực hiện kiểm tra lương lậu của EVN. Trước mắt, với khoản lỗ như vậy rất nên xem lại tiền lương của đội ngũ lãnh đạo EVN và các bộ phận khác trong công ty mẹ”- Bà Lan đề nghị.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, ngành điện nói được hưởng lương cao nhờ có tính đặc thù, làm việc trong môi trường độc hại, vất vả không sai. Nhưng lương cao chỉ nên áp dụng với những người đi làm ở vùng sâu, vùng xa chứ không được áp dụng cơ chế đó cho tất cả ngành điện. Ngồi văn phòng mà hưởng lương bình quân tới 30 triệu đồng thì không ổn.
Bà Lan nói: “Ngồi văn phòng có độc hại không, có vất vả không. Nhiều ngành khác cũng làm việc trong môi trường độc hại, nhưng họ đâu được phụ cấp cao như thế, họ chỉ áp dụng cho những người chịu độc hại chứ không áp dụng cho cả ngành. EVN có dám công bố bao nhiêu người được hưởng phụ cấp độc hại mức này, bao nhiêu người thu nhập ở mức kia không?”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan .
Lãnh đạo EVN có bỏ tiền túi bù lỗ?
Nếu EVN thấy mình không làm sai, trả lương như vậy thỏa đáng, thực hiện đúng quy định nhà nước thì công bố thẳng. Lương văn phòng bao nhiêu, lương vùng xa bao nhiêu, Tây Nguyên, miền núi, các vùng đồng bằng xa trung tâm bao nhiêu? Muốn xã hội không bức xúc, có phán xét đúng cần minh bạch việc thực hiện.
Bà Lan cũng cho rằng, các cơ quan nhà nước cần kiểm tra việc đầu tư ngoài ngành của EVN. Dư luận băn khoăn, những khoản thua lỗ do đầu tư ngoài ngành không tính vào giá điện thì tính vào đâu, liệu các lãnh đạo EVN có bỏ tiền túi để đền các khoản thua lỗ đó. Có thể có việc nhờ đầu tư ngoài ngành, không chừng các lãnh đạo của EVN còn được hưởng nhiều lần lương từ việc làm đại diện ở các công ty mà EVN có cổ phần, lương từ các dự án đầu tư ngoài ngành.
Sự thiếu minh bạch ở EVN có cả trách nhiệm từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý trực tiếp. Ngoài ra cần xem xét lại công việc và trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị được giao quản lý giám sát EVN ở các bộ.
Trả lời tại cuộc giao lưu trực tuyến về giá điện ngày 22-12, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, tăng giá điện ở mức 62 đồng/kWh không gây tác động lớn đến sản xuất và đời sống.
Cụ thể, giá điện sản xuất tăng làm tăng giá thành xi măng thêm khoảng 0,39-0,56%. Giá thành cán thép tăng khoảng 0,06%, giá thành nước sạch tăng khoảng 2-2,3%. Các hộ dùng 200kWh/tháng phải trả thêm 7.400 đồng. Hộ dùng 300kWh/tháng phải trả thêm 16.300 đồng, hộ dùng 400kWh phải trả thêm 26.100 đồng/tháng. |
Theo Tiền Phong