Đôi chân yếu của TTCK Việt Nam

Thứ bảy, 24/12/2011, 01:10
TTCK Việt Nam khi hội nhập giống như đi trên hai chân yếu, một bên là vốn ngoại, một bên là vốn nóng. Điều này khiến thị trường luôn tiềm ẩn các nguy cơ biến động rất mạnh khi một trong hai yếu tố thay đổi.


Quy định hoàn thiện lý lịch tư pháp là rất xa lạ với các NĐT nước ngoài - Ảnh: Hoài Nam

 

Đang phụ trách khối khách hàng tổ chức của một CTCK 49% vốn ngoại, nhưng David Jensen vẫn đang đầu tư vào TTCK qua tài khoản của vợ anh người Việt. Dù đã làm việc ở Việt Nam khoảng 10 năm và luôn giữ quan điểm lạc quan về thị trường vốn ở đây, nhưng anh chàng người Mỹ này chưa bao giờ có một tài khoản của riêng mình.

Thủ tục nhỏ làm hư việc lớn

David nói rằng, thủ tục mở tài khoản cho NĐT nước ngoài tại Việt Nam bộc lộ quá nhiều bất cập. Khi còn làm việc cho một công ty đa quốc gia, lần đầu đi mở một tài khoản cho mình, anh đã bất ngờ khi phải có xác nhận "trong quá khứ đã phạm tội lần nào chưa?" ở yêu cầu kê khai lý lịch tư pháp.

Về yêu cầu không giống với thông lệ quốc tế này, David nói rằng, trong quá trình tư vấn cho khách hàng ở CTCK hiện nay, anh còn phát hiện ra nhiều bất cập khác: hệ thống lãnh sự quán của Việt Nam tại nhiều quốc gia lớn còn mỏng.

Vì vậy, công dân các nước này dù có nhận xét TTCK Việt Nam tiềm năng đến mấy, thì cũng rất khó khăn khi phải hoàn thiện lý lịch tư pháp để xin cấp mã số giao dịch. Trên quê hương của David, Việt Nam mới có văn phòng ngoại giao tại Washington DC và San Francisco.

Như vậy, NĐT ở các thành phố khác phải tới tận những nơi này để hoàn thiện giấy tờ. Vì vậy, David nói với bạn bè rằng, phải rất kiên nhẫn và có tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam thì mới có thể đầu tư. Một số người quen của David đã tìm cơ hội khác ở các TTCK láng giềng, nơi thủ tục thông thoáng hơn.

Không giống David có thời gian  làm việc liên tục tại Việt Nam, 10 năm qua, ông W. Sneidjer, người Hà Lan, bị điều chuyển công việc qua 5 quốc gia. W. Sneidjer có mặt tại TP. HCM hơn 1 năm qua để làm việc cho một dự án phi chính phủ. Tuy nhiên, 6 tháng qua, người đàn ông này chưa thể mở được tài khoản, dù đã gõ cửa một số CTCK lớn trong nước.

"Ở một số quốc gia tôi đã qua không có khái niệm lý lịch tư pháp. Từ năm 2002, tôi chưa quay lại  Zimbabwe nên tôi không chắc người ta có thể nhớ để xác nhận quãng thời gian tôi sống và làm việc ở đó", ông này giải thích. Không hoàn thiện lý lịch tư pháp, không xin được mã số giao dịch, người đàn ông này không thể trực tiếp mua cổ phiếu tại Việt Nam!

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK Kim Eng (KEVS) cho biết, KEVS nhận được rất nhiều phản hồi của khách hàng về thủ tục mở tài khoản cho NĐT nước ngoài. Tại các quốc gia trong khu vực, không quốc gia nào đặt ra các yêu cầu tương tự.

Lãnh đạo của KEVS cho biết, hạn chế tưởng chừng rất nhỏ này đã khiến một lượng lớn NĐT nước ngoài có tiềm lực tài chính sau khi tham khảo thủ tục mở tài khoản ở Việt Nam, đã không còn hào hứng.

Chờ hành động sau những tuyên bố

Hội nhập sau các quốc gia trong khu vực nên Việt Nam bị áp đặt các yêu cầu cao hơn về mức độ mở cửa thị trường (chẳng hạn chỉ có 5 năm để mở cửa thị trường, bằng một nửa so với Malaysia).

Mặt khác, thời điểm chúng ta cho phép CTCK và công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài hoạt động  tại Việt Nam đối diện với nhiều thách thức lớn hơn: khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn phức tạp; các yếu tố mất cân đối vĩ mô trong nước chưa kỳ vọng giải quyết trong một thời gian ngắn; TTCK nội địa sụt giảm mạnh, dẫn tới sự mất lòng tin của đa số NĐT…

Điều đáng mừng là trước thời điểm hội nhập toàn diện (1/1/2012), cơ quan quản lý đã phát đi nhiều thông điệp hứa hẹn về một cuộc tái cấu trúc sâu rộng diễn ra trên TTCK năm 2012: triển khai giao dịch T+2; phân loại và tái cấu trúc hoạt động khối CTCK; cho phép công ty quản lý quỹ nội địa cung cấp sản phẩm quỹ mở… Dưới áp lực cạnh tranh sắp tăng lên trong năm mới, cộng đồng giới đầu tư đang trông đợi ở quyết tâm hành động cụ thể từ cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, theo khảo sát của ĐTCK với một số quỹ đầu tư và CTCK nước ngoài, ở TTCK Việt Nam, họ vẫn nhận thấy nhiều trở ngại tồn tại lâu nay nhưng chưa được đề cập và giải quyết thỏa đáng.

Bên cạnh nhiều hạn chế được mổ xẻ, phân tích thời gian qua, khối ngoại nhìn nhận TTCK Việt Nam vẫn mang nhiều điểm yếu cố hữu cần phải thay đổi. Đó là độ minh bạch và chất lượng thông tin để có thể ra quyết định đầu tư không cao.

Sự mờ ảo trong thông tin khiến TTCK nhiều khi trở thành sân chơi để các "đội lái" và cổ đông nội bộ lướt sóng kiếm tiền nóng. Mặt khác, chính sách thuế hướng vào các dòng vốn chưa thể hiện được vai trò điều tiết để tiền nhàn rỗi chảy qua TTCK quay lại sản xuất, hoặc giúp các DN, định chế tài chính lớn mạnh, quy mô thị trường gia tăng.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài ví von, TTCK Việt Nam khi hội nhập giống như đi trên hai chân yếu, một bên là vốn ngoại, một bên là vốn nóng. Điều này khiến thị trường luôn tiềm ẩn các nguy cơ biến động rất mạnh khi một trong hai yếu tố thay đổi. Chính yếu huyệt này khiến TTCK Việt Nam chưa thoát ly nổi vị thế một thị trường cận biên, mức độ hấp dẫn các dòng vốn quốc tế còn rất khiêm tốn.

Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn