Mặc dù vệ tinh Vinasat 2 được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dự kiến sẽ phóng vào giữa năm sau (với đầu tư khoảng trên dưới 300 triệu đô la Mỹ) nhưng hiện công ty thành viên của tập đoàn này đã có những bước triển khai hoạt động tiếp thị và bán hàng (tìm khách thuê dung lượng vệ tinh) cho vệ tinh Vinasat 2.
Ông Nguyễn Quang Thảo, phụ trách tiếp thị và bán hàng của Công ty viễn thông quốc tế (VTI - đơn vị được VNPT giao cho mảng hoạt động kinh doanh vệ tinh) cho biết, công ty này đang tiến hành thương thảo hợp đồng đặt chỗ thuê dung lượng vệ tinh Vinasat 2.
Không chỉ khách hàng trong nước, VTI còn đang tìm kiếm khách hàng nước ngoài sử dụng dịch vụ thuê vệ tinh. Bởi vệ tinh này được thiết kế với 24 bộ phát đáp ở băng tần Ku (trong khi Vinasat 1 có cả băng tần C) và có vùng phủ gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Singapore và một phần của Malaysia.
Ông Thảo cũng cho biết, sau ba năm kinh doanh, đến nay VTI đánh giá hoạt động kinh doanh Vinasat 1 rất thành công. Trên vệ tinh này đang có 150 kênh truyền hình thông thường và kênh truyền hình độ phân giải cao, thu hút nhiều khách hàng trong nước, khách hàng chính phủ sử dụng vệ tinh (Bộ Công an, Quốc phòng, viễn thông công ích). Có cả khách hàng Thái và Lào…
Hiện băng tần C của vệ tinh đã được sử dụng hết 75% công suất thiết kế, băng tần Ku đã sử dụng hết 95%. Dự kiến đến năm 2012 sẽ sử dụng hết dung lượng của vệ tinh này.
VTI cũng đánh giá tiềm năng thị trường cho thuê vệ tinh tại Việt Nam lớn. Chủ yếu nhu cầu từ các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Hiện Vinasat 1 đã có các khách hàng là các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình như VTC, K+.
Thời gian tới có thể sẽ thu hút thêm khách hàng thuê dung lượng vệ tinh là các đơn vị như AVG, SCTV, HTV…, bên cạnh đó còn có nhu cầu từ các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động để cung cấp dịch vụ truy cập internet cho khu vực vùng sâu vùng xa, truy cập mạng visat doanh nghiệp…
Đây chính là lý do cần phải có vệ tinh Vinasat 2.
Theo TBKTSG