Kinh doanh xăng dầu: Trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý

Thứ sáu, 23/12/2011, 00:00
Không có cơ chế giám sát chặt chẽ, điều hành giá lại thiếu công khai, minh bạch khiến các đầu mối xăng dầu lời thật lỗ giả kéo dài, trách nhiệm của cơ quan quản lý không hề nhỏ.

Lúng túng, bế tắc và lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước trong điều hành chính sách giá, quản lý thị trường để doanh nghiệp (DN) tự tung tự tác, dùng đủ chiêu trò qua mặt gây thất thu ngân sách, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm. Thế nhưng, khi đề cập đến trách nhiệm, các nhà quản lý của liên Bộ Tài chính - Công thương hết sức khiêm tốn chỉ nhận về mình phần “nho nhỏ”.

 

886,5 tỉ đồng

là số tiền hao hụt xăng dầu theo báo cáo của Petrolimex trong 6 tháng (từ 1.1.2011 đến 30.6.2011)

 

 

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Tình trạng lộn xộn, bát nháo trong kinh doanh xăng dầu đã gây bức xúc cho người tiêu dùng từ lâu, không phải đợi đến khi Bộ Tài chính đưa ra kết luận tại 4 DN đầu mối lớn.

Điều này đã âm ỉ từ khi giá xăng được “thả” cho cơ chế thị trường, nhưng lại thiếu đi bàn tay quản lý có sức mạnh, có tâm và có tầm của nhà quản lý.

Chính phủ đã có chủ trương hoàn toàn đúng đắn là không bao cấp, bù lỗ xăng dầu, tính đủ và tính đúng chi phí để đưa giá xăng vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý, giám sát của Nhà nước bởi Nghị định 84. Thế nhưng, từ đó tới nay hai Bộ thực thi nhiệm vụ là Tài chính và Công thương đã để Nhà nước thất thu thuế, người tiêu dùng gánh chịu giá xăng cao.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, đã không ít lần “tha thiết” mong các nhà quản lý sửa lại cơ chế, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng kéo dài. Bất cập mà ông Ánh chỉ ra chính là những công cụ tài chính và hành chính đã không thể theo được thị trường, tạo ra kẽ hở lớn dung túng cho DN.

TS Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu thương mại, còn đưa ra con số rất biết nói. Cụ thể, trong năm 2011 đã có 3 lần điều chỉnh giá xăng, trong đó có 2 lần tăng mạnh, 1 giảm nhẹ, Nhà nước hầu như không thu được một đồng thuế nào.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 4, các DN xăng dầu 2 lần tăng giá với tổng mức tăng từ 39 - 45% (từ 16.000 đồng lên 21.300 đồng/lít xăng trong vòng 1 tháng), mức tăng mạnh chưa từng có. Nhưng cũng từ đó, khi giá thế giới bắt đầu giảm đều đặn từ tháng 4 đến tháng 8, giá xăng lại bất động. Cần nhớ rằng, kể từ tháng 2 đến tháng 8, hầu như mức thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt đã được Nhà nước kéo về 0%, riêng thuế Giá trị gia tăng (VAT) 10% thì DN chỉ đứng ra thu hộ và người tiêu dùng phải nộp.

Sự việc kéo dài trong vòng 4 tháng, cho tới khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ yêu cầu giảm 500 đồng/lít bất chấp phản ứng của các DN. Thời điểm này, ông Nguyễn Lộc An - Vụ phó Vụ Quản lý thị trường Bộ Công thương - phản pháo dữ dội Bộ Tài chính khi cho rằng, chính sách quản lý giá chậm - lạc hậu gây ra xung đột giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra 4 DN xăng dầu vừa qua, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - khẳng định DN đã vung tay quá trán, chi hoa hồng cho đại lý cao chót vót, vượt cả chi phí định mức kinh doanh gây hỗn loạn thị trường, gián tiếp tạo lỗ, gây áp lực tăng giá xăng. Bà Mai cũng không ngần ngại chỉ ra, để xảy ra tình trạng này nguyên nhân chính do Bộ Công thương bãi bỏ quy định về chi hoa hồng đại lý mà lẽ ra phải có khung trần - sàn để quản lý.

Để giá xăng vận hành theo thị trường, nhưng không có cơ chế giám sát chặt chẽ, điều hành giá thì thiếu công khai, minh bạch lại hoàn toàn “phi thị trường”, trách nhiệm của cơ quan quản lý không hề nhỏ.

 


Nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu đã dẫn đến tình trạng lộn xộn hiện nay - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Không thể để DN tự tung tự tác

Vào tháng 9.2008, Bộ Công thương bãi bỏ quy định mức thù lao đại lý, giao cho DN đầu mối được trực tiếp thỏa thuận với đại lý, tổng đại lý về thù lao bán hàng. Đây là lý do dù định mức chi phí kinh doanh (đã bao gồm cả hoa hồng đại lý) theo quy định là 600 đồng/lít, nhưng các DN đầu mối thường xuyên đẩy chiết khấu hoa hồng cho đại lý lên cao, thậm chí có thời điểm tới 1.000 đồng/lít mà không hề bị “thổi còi”.

Ngoài ra, việc liên Bộ Tài chính - Công thương để DN đầu mối tự xây dựng và thực hiện định mức hao hụt tự nhiên về xăng dầu, mà không hề thẩm định và kiểm soát dẫn tới những con số đáng ngờ, đẩy chi phí giá vốn hàng bán của DN lên cao bất hợp lý. Cụ thể, từ 1.1.2011 đến 30.6.2011, hao hụt xăng dầu theo báo cáo của Petrolimex là 886,5 tỉ đồng, nhưng sau khi rà soát hao hụt chỉ còn 880 tỉ đồng.

Điều đáng nói là dù phát hiện các DN xăng dầu có nhiều sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa có một hình thức xử lý nghiêm khắc nào được đưa ra. Đầu năm 2011, Bộ Tài chính cũng phát hiện ra Petrolimex trích sai quỹ bình ổn tới 1.200 tỉ đồng, nhưng hình thức xử lý cũng chỉ dừng ở mức nhắc nhở.

Việc trả kinh doanh xăng dầu về cơ chế thị trường theo Nghị định 84 một cách nửa vời đang làm “bí” chính cơ quan quản lý trong điều hành giá. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi Nghị định 84 theo hướng siết chặt quản lý đối với cơ cấu giá và thời điểm tính giá cơ sở. Theo đó, cần xem xét rút ngắn thời gian tính giá cơ sở thay vì thực hiện bình quân 30 ngày như hiện nay xuống khoảng 10 - 15 ngày, phù hợp hơn với diễn biến thực tế của giá xăng dầu thế giới, buộc DN phải có những điều chỉnh giá hợp lý.

Một chuyên gia cho rằng để kiểm soát chặt chẽ, cơ quan quản lý phải đưa ra quy định công bố thông tin về giá cơ sở công khai. Ngoài ra, Bộ Công thương cần sớm ban hành lại khung thù lao đại lý cụ thể cũng như định mức hao hụt xăng dầu theo từng chủng loại, tránh tình trạng mù mờ như hiện nay.

Theo Thanhnien.

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích