Gói cho vay mới từ ECB: Liệu có hiệu nghiệm?

Thứ sáu, 23/12/2011, 00:22
SaigonNews - Gói cứu trợ mới nhất liệu có nhấc khu vực đồng tiền chung ra khỏi vũng lầy.

Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) vừa cung cấp một gói cứu trợ khoảng 489 tỷ euro (tương đương 407 tỷ bảng Anh) cho 523 ngân hàng thuộc khu vực đồng euro.

Món vay lần này lớn hơn bất cứ sự mong đợi nào, nhưng cũng cho thấy một sự tuyệt vọng của các ngân hàng trong khối đồng tiền chung.

Người khổng lồ quỵ ngã


Động thái này không hề làm khởi sắc thị trường tài chính. Chỉ số FTSE của London giảm 29,86 điểm xuống 5389,74 điểm. Trong khi đó ở thị trường Frankfurt và Paris, chứng khoán giảm điểm gần 1%. Còn lợi tức trái phiếu Ý – số tiền mà chính phủ Ý phải chi trả cho các khoản vay của mình vẫn đang ngấp nghé mức 7% hay còn được ví von là “vùng nguy hiểm”. Khi lợi tức vượt lên trên 7%, nó trở thành món nợ khó đòi vì con nợ không có khả năng chi trả.

Gói vay 3 năm với tỷ suất 1% lần này của ECB đang hy vọng sẽ tránh được những khủng hoảng nợ như đã xảy ra với tín dụng năm 2007 và 2008. Một trong những mục đích của gói cứu trợ này là các ngân hàng sẽ dùng tiền để mua trái phiếu chính phủ của Ý hay Tây Ban Nha, những nước có thể “tiếp bước” Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các ngân hàng này sẽ chỉ khư khư lo ôm tiền mặt để bảo vệ mình khỏi thiệt hại một khi khu vực đồng tiền chung “qua đời”.

Lợi tức trái phiếu 10 năm của chính phủ các nước:

Pháp 3.04%
Đức 2.01%
Hy Lạp 36.03%
Ý 6.60%
Bồ Đào Nha 13.29%
Tây Ban Nha 5.09%
Anh 2.11%


Justin Urquhart Steward, một nhà quản lý quỹ ở London cho rằng món vay này có mục đích “đổi tiền lấy giấy" với hy vọng sẽ mua lại những trái phiếu vô vọng từ các chính phủ.

“Các ngân hàng sẽ không phải lo về thanh khoản tiền mặt trong vòng 3 năm tới. ECB mong chờ rằng tiền của mình sẽ được các ngân hàng đem sử dụng, thế nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra.”

Sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung sẽ rất khủng khiếp cho tất cả doanh nghiệp cũng như người dân châu Âu. Sir Philip Hampton, chủ tịch ủy ban hỗ trợ ngân hàng Hoàng gia Scotland cho biết, việc này sẽ “tạo ra một sự căng thẳng lớn trong hệ thống ngân hàng và cần thêm hàng loạt những gói cứu trợ mới từ ngân sách.”

Thậm chí ngày hôm nay, tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã cảnh báo Đức, nền kinh tế trụ cột trong căn nhà chung châu Âu, sắp phải đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ.

Các nhà phân tích cho rằng triển vọng thoát khỏi suy thoái của khu vực này thực sự không mấy khả quan khi tình hình kinh tế ở Ý vẫn đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng đầy đau đớn và kéo dài”, kinh tế Ý sụt giảm khoảng 0,2% từ giữa tháng 7 đến tháng 9.



Viên thuốc này không hề hiệu nghệm?
 

Trong khí đó, Fitch cảnh báo mức tín nhiệm vàng AAA có nguy cơ sẽ rơi khỏi tay nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 2 năm nữa vì tình hình nợ nần của Mỹ hiện nay.

Trong khi đó xếp hạng tín nhiệm của Hungary đã bị hạ xuống mức thê thảm BB+ theo thang đánh giá của Standard & Poor.
 

Mỹ An

Các tin cũ hơn