Cho đến cuối tuần qua, lãi suất giao dịch trên thị trường liên NH bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ, đặc biệt trong các ngày cuối tuần. Các tính toán cho thấy, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH tuần kết thúc vào ngày 16.12 có mức giảm khoảng 0,5-0,7%/năm so với mức lãi suất ở đầu tuần và giảm 1,2-1,5%/năm so với cuối tuần trước. Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, trong ngày 20.12, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm ở mức 14,21%, 1 tuần là 13,84%, 2 tuần 13,48% và 1 tháng là 14,87%.
Động thái bơm ròng tích cực qua thị trường mở (OMO) của NHNN trong tuần vừa qua, theo nhiều đánh giá, là nguyên nhân chính khiến lãi suất giảm nhẹ vào những ngày cuối tuần. Dù các số liệu thống kê có nhiều khác nhau, song ước tính trong tuần qua, ước tính NHNN bơm ròng quanh mức 12.000 tỉ đồng hoặc trên mức này qua OMO.
Đây là tuần thứ hai liên tiếp NHNN thực hiện bơm ròng và việc duy trì hoạt động này với giá trị tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiền thanh toán đang ở giai đoạn cao điểm, được xem như một sự hỗ trợ cần thiết nhằm ổn định thanh khoản cho cả hệ thống NH, từ đó tránh những biến động mạnh của lãi suất trên thị trường liên NH.
Trong khi đó trên thị trường dân cư, thời điểm áp tết được cho là giai đoạn rất khó khăn trong thanh khoản tiền đồng của các NH nhỏ. Đặc biệt khi mà nhu cầu rút tiền trong dân cư tăng mạnh trong khi lại bị hạn chế vay liên NH, thiếu điều kiện tham gia thị trường mở, các điều kiện vay tái cấp vốn ngặt nghèo hơn và bị kiểm soát chặt về trần lãi suất huy động từ dân cư.
Ngay cả với những NH lớn, áp lực sụt giảm thanh khoản do việc rút tiền chi tiêu tết của dân cư cũng không nhỏ. Chính với các yếu tố này, nhiều tổ chức đầu tư đồng thuận với ý kiến, dù có những tiền đề cho việc giảm lãi suất như lạm phát giảm hay cán cân thanh toán được dự đoán thặng dư, khả năng lãi suất giảm trong giai đoạn này là không nhiều.
Mới đây nhất, người đứng đầu NHNN từng khẳng định vẫn chưa có chủ trương hạ trần lãi suất huy động VND và mức 14%/năm tiếp tục được duy trì trong tháng cuối năm. Thực tế lãi suất cho vay ngoài nhóm ưu đãi vẫn ở mức rất cao trên 20%/năm hiện nay và các biến động phù hợp theo sau của lãi suất huy động phản ánh diễn biến thực tế của lạm phát.
Do đó, theo nhận định của một tổ chức đầu tư, về lâu dài kỳ vọng lạm phát giảm sẽ là yếu tố có tác động trực tiếp tới diễn biến lãi suất trong thời gian tới, chứ không đơn thuần là việc áp trần lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra. NHNN có thể chỉ xem xét dỡ bỏ trần lãi suất huy động khi lạm phát tiếp tục cho dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới.
Theo Lao Động