"Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình thế nguy nan"
Thứ hai, 26/12/2011, 15:02
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa cảnh báo nền kinh tế thế giới đang trong tình thế nguy nan, đồng thời hối thúc châu Âu cùng đồng lòng chung sức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu lục, vốn đã và đang làm chao đảo hệ thống tài chính toàn cầu.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: Reuters)
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa cảnh báo nền kinh tế thế giới đang trong tình thế nguy nan, đồng thời hối thúc châu Âu cùng đồng lòng chung sức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu lục, vốn đã và đang làm chao đảo hệ thống tài chính toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, bắt nguồn từ Hy Lạp, có nguy cơ lan sang hai nền kinh tế lớn của châu lục là Đức và Pháp, cũng như đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu.
Tại Nigeria hồi tuần trước, bà Lagarde nói rằng IMF có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012, từ mức dự đoán 4% được đưa ra trước đây.
Nợ công làm thay đổi diện mạo kinh tế thế giới
Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone) được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2012, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày 9/12 chỉ có thể tạm thời trấn an các thị trường. Cuộc khủng hoảng nợ này, nói cách khác, là một cuộc khủng hoảng lòng tin về nợ nhà nước và củng cố hệ thống tài chính.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo ra một Hiệp ước mới về hội nhập kinh tế-tài chính sâu sắc hơn trong khu vực Eurozone, nhưng hiện không chắc liệu dự thảo này có ngăn chặn được khủng hoảng nợ hay không.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi các nước châu Âu có tiếng nói chung, cũng như công bố lịch trình và những chi tiết của kế hoạch giải cứu khu vực.
Ngoài ra, người đứng đầu IMF cũng cảnh báo về mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ đối với nền kinh tế toàn cầu. Quốc hội các nước cũng chỉ trích việc sử dụng tiền nhà nước và sự đảm bảo nhà nước để hỗ trợ những nước này.
Bên cạnh đó, bà Lagarde lưu ý những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Nga - được coi là các cỗ máy tăng trưởng chủ lực của kinh tế thế giới trước khủng hoảng, cũng bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bất ổn./.