Lãi suất chưa thể hạ dù lạm phát giảm

Thứ hai, 26/12/2011, 11:58
Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng cuối năm tới chỉ dao động trong khoảng 10%/năm, bởi NHNN lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012.


Cuối năm là thời điểm nền kinh tế rất "khát" tín dụng

 

Theo các chuyên gia kinh tế, không phải ngẫu nhiên Thống đốc NHNN đưa ra nhận định trên bởi theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2011 tăng 18,13% so với tháng 12/2010. So với tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 chỉ tăng 0,53%. Điều này có nghĩa, chỉ số giá tiêu dùng đã được kiềm chế tốt dưới 1% trong 4 tháng trở lại đây.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc Trung tâm kinh doanh và sản phẩm cấu trúc Techcombank nhận định, mặc dù lạm phát hiện nay vẫn xoay quanh con số 18% nhưng các chỉ số trên cho thấy, đây là một tín hiệu tốt để bắt đầu xem xét việc hạ lãi suất, bởi một trong những cơ sở quan trọng để điều chỉnh lãi suất chính là lạm phát.

"Việc giảm lãi suất tiền đồng có thể từ từ xem xét, đặc biệt là lãi suất cho vay để giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất. Quan trọng nhất là việc giảm lãi suất cần phải tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể, ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, không làm gia tăng lạm phát và đặc biệt là tránh hiện tượng đầu cơ", ông Long nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể tính đến việc giảm lãi suất bởi những yếu tố cơ bản thuận cho việc hạ lãi suất đã rõ ràng, như CPI, lãi suất liên ngân hàng đều giảm. Tuy nhiên, cuối năm là thời điểm nền kinh tế đang rất "khát" tín dụng. Quan hệ cung - cầu không tương thích, lãi suất khó có thể giảm được nhiều. Nhưng để lãi suất giảm tiếp và bền vững thì phải phụ thuộc vào tình hình lạm phát trong quý I, II/2012, khi cung - cầu tín dụng đã bớt "kênh".

"Áp lực lạm phát năm 2012 không lớn bởi tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ khoảng 12 -13%, ngoại trừ các yếu tố ngoại lực, khách quan như: thiên tai bão lũ, mùa màng thất bát, giá dầu, vàng, một số mặt hàng lương thực thực phẩm… trên thế giới tăng cao. Do vậy, kỳ vọng lạm phát của người dân năm 2012 sẽ ở mức khoảng 10%, tạo điều kiện để lãi suất có thể giảm xuống 12 - 13%/năm", TS. Lực nói.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, không thể chỉ nói hạ lãi suất hay đưa ra các mệnh lệnh hành chính để hạ lãi suất, bởi đây là câu chuyện của thị trường. Do vậy, NHNN cần phải phân tích dựa trên các yếu tố như: thứ nhất, lạm phát giảm liên tục, bền vững, lâu dài; thứ hai, lãi suất liên ngân hàng giảm; thứ ba, giảm lãi suất ở mức nào để không tái lập lạm phát cao quay trở lại, nghĩa là lãi suất giảm không đẩy tín dụng lên quá cao; thứ tư, trạng thái thanh khoản được đảm bảo của các ngân hàng.

Quan trọng hơn cả, NHNN không bơm tiền mạnh qua thị trường mở trong thời gian gần đây. Lượng bơm ra hầu như chỉ để giúp các ngân hàng giải quyết những khó khăn về thanh khoản. Do vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, dù lạm phát đã có dấu hiệu giảm và kỳ vọng lạm phát cũng không cao, nhưng NHNN chưa nên hạ lãi suất thời điểm này mà để qua Tết nguyên đán. Quan trọng hơn cả, việc hạ lãi suất không nên quá nhanh, mà cần từng bước để đỡ các ngân hàng nhỏ gặp khó hơn về thanh khoản.   

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn