2012: Kinh tế thế giới trôi về đâu?

Thứ hai, 26/12/2011, 09:35
SaigonNews - Việc châu Âu phải đối mặt với một năm 2012 cực kỳ ảm đạm sẽ làm tăng sức ép lên nền kinh tế toàn cầu. Và cũng vì đó, những thị trường mới nổi và cường quốc kinh tế sẽ phải chuyển động theo hướng đúng đẳn hơn trong năm tới.


 

Rất nhiều những nền kinh tế phát triển đang đi vào suy thoái, thị trường chứng khoán không thể được vực dậy sau những tổn thất năm 2011, giá dầu sẽ giảm sâu hơn nữa, các nhà quản lý quỹ không biết đầu tư vào đâu.

Kịch bản khả thi nhất

Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng tình hình nợ công của khu vực đồng euro sẽ không châm ngòi thêm một cuộc khủng hoảng tài chính nào nữa. Thế nhưng, những nền kinh tế lớn mới nổi như Brazil hay Trung Quốc nên tăng tốc hơn vào cuối năm sau. Bởi các nền kinh tế này đang có dấu hiệu chậm lại những tháng gần đây do thắt chặt tiền tệ, kiềm giữ lạm phát.

“Trái đất vẫn quay, nhưng theo hai cực khác nhau. Kịch bản cho năm sau 2012 sẽ là châu Âu kéo thế giới xuống vào nửa đầu năm, còn Trung Quốc kéo nó lên vào nửa cuối năm.”, ông Gerard Lyons, nhà phân tích của ngân hàng Standard Chartered cho hay.
 
Câu hỏi mang tên: Khu vực đồng euro

Tháng 12 vừa qua, các nhà lãnh đạo của khu vực này đã có những cuộc họp liên miên về những vấn đề liên quan đến nợ công. Theo Reuters, vấn đề cốt lõi là các nhà cầm quyền đang có quá ít những động thái để kích thích nền kinh tế phát triển, ví dụ như Tây Ban Nha và Ý. Nhưng theo ý kiến chuyên gia, cuộc khủng hoảng nợ này sẽ không thể kéo dài hơn 3 năm từ lúc mới xuất hiện và nó sẽ không còn là cơn ác mộng đến giữa năm 2012. “Khu vực euro sẽ là điểm bất ổn cho phần còn lại của kinh tế thế giới.”, theo ông Juan Perez-Campanero, một nhà phân tích tại Santander. “Chúng ta sẽ còn tiếp tục đối diện với sự suy giảm kéo dài tại những khu vực kinh tế phát triển, nhất là châu Âu.”

Liệu Ý và Tây Ban Nha có tìm được nguồn tài trợ bằng cách bán trái phiếu chính phủ hay không vẫn còn là một câu hỏi mở và rất nhiều nhà kinh tế cho rằng điều này là khó thực hiện.

Trong cuộc thăm dò ý kiến 20 nhà kinh tế hàng đầu và những người đã từng là nhà làm luật, 14/20 cho rằng khu vực đồng tiền chung euro sẽ khó có thể tồn tại với hình thức từ trước đến nay của nó.
 
 Phía bên kia cán cân kinh tế

Khu vực đồng tiền châu Âu đang gặp khó khăn và kéo theo đó là những quốc gia có giao thương với họ. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và nước này đã ghi nhận những thâm hụt trong lượng đơn đặt hàng mới.


"2 kèm 1"

 

Thật vậy, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng yếu nhất tính từ năm 2009. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa sẽ giảm dự trữ bắt buộc trong năm tới và sẽ mạnh tay kích cầu hơn nữa nếu tăng trưởng giảm dưới 8%.

Tương tự, Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với sự chậm chạp trong tăng trưởng. Được biết ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa, dù bóng ma lạm phát đang đeo dai dẳng.

Ngân hàng trung ương Brazil cắt giảm ước tính tăng trưởng năm 2011 xuống 3,0% so với mức ban đầu 3,5%. Họ cũng cho biết năm 2012, tăng trưởng sẽ chỉ vào khoảng 3,5%. So với những tỷ lệ tăng trưởng hai con số vào những năm trước thì đây là một sự thất  vọng.

Mặc dù có những suy giảm trong các nền kinh tế mới nổi, nhưng dù sao đây cũng sẽ là những đầu tàu kinh tế trong năm 2012.

Vẫn còn đó những hy vọng khi nền kinh tế Mỹ đã có những biểu hiện phục hồi khá tốt so với quý vừa qua. Theo những dự báo của Reuters, năm sau nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 2,2%. Trong đó, điểm sáng đầy hy vọng có thể vực dậy thị trường là những công ty bất động sản lớn.

Ngoài ra, nền kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng giảm phát nhưng dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại từ năm tài chính tiếp theo bắt đầu vào tháng 4 và có thể đạt tốc độ 1,8%.

 “Cũng may tất cả đều là tăng trưởng dương, bức tranh hoàn toàn có hai mảng đối lập nhau, không phải nửa đầu hay nửa sau năm 2012 mà là khu vực bạn nhìn vào.” Ông Lyons của ngân hàng Standard Chartered kết luận.

Phân bổ tài sản

Không gì thể hiện sự bất ổn của nền kinh tế trong năm 2012 tốt bằng cách nhìn vào sự phân bổ tài sản của các nhà đầu tư hàng đầu tại Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.

Các nhà đầu tư đang cố trữ càng nhiều tiền mặt càng tốt vào tháng 12 để chuẩn bị cho một năm 2012 đầy biến động.

Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro là mối quan tâm chính của các nhà quản lý này. Khi được hỏi, họ luôn ưu tiên đầu tư tiền cho các cổ phần của Anh và châu Á chứ không phải những cổ phiếu thuộc châu Âu. Bởi chứng khoán châu Á đang có những bước tiến tốt hơn hẳn so với châu Âu và dự kiến sẽ bứt xa trong năm 2012.

Giá dầu thô Brent cũng sẽ giảm trong năm tới, vào khoảng 105$/thùng, so với mức trung bình khoảng 111$ năm nay. Nhận định này được đưa ra do sự tăng trưởng chậm của các nước phát triển như Trung Quốc kéo theo nhu cầu năng lượng trong sản xuất suy giảm.

Tuy nhiên điều này vẫn còn chưa chắc chắn do những khó khăn trong vấn đề chính trị của các nước sản xuất dầu có thể kéo giá dầu đi lên. Nhưng dù sao, năm 2012 cũng sẽ là một năm khó khăn cho nền kinh tế vùng Vịnh.


Mỹ An (Theo Reuters)

Các tin cũ hơn