Nhật Bản chỉ trích châu Âu về quy mô của quỹ giải cứu khủng hoảng

Thứ ba, 27/12/2011, 11:34
Nhật Bản cũng như các nước ngoài khu vực đồng euro khác chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ, nhưng nếu châu Âu không hành động quyết liệt thì khó mà hiệu quả.


Các quan chức Nhật Bản hôm qua cho rằng, châu Âu nên tăng cường sức mạnh của quỹ giải cứu và tập chung vào chi phí phải trả cho khoản tài trợ nhằm đưa ra tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư và đối tác quốc tế, yếu tố quyết định để giải quyết khủng hoảng nợ.

Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng nợ, nhưng cũng nhấn mạnh họ muốn thấy 1 kế hoạch hành động thuyết phục trước khi thực hiện bất kỳ cam kết nào.

Một quan chức cao cấp chính phủ Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản cũng như các quốc gia ngoài khu vực đồng euro khác chuẩn bị sẵn sàng để làm điều gì đó, nhưng nếu các nước châu Âu không hành động quyết liệt thì các hành động khác khó mà hiệu quả.

Nâng quy mô của quỹ giải cứu hiện giờ (EFSF) và thành lập quỹ mới (ESM) với trên 500 tỷ euro sẽ là bước đi quan trọng và là một tín hiệu đáng khích lệ.

Lãnh đạo châu Âu đầu tháng này đã nhất trí thúc đẩy cho ra đời quỹ ESM trong 1 năm tính tới giữa 2012 với khả năng cho vay 500 tỷ euro (650 tỷ USD), tuy nhiên câu hỏi đặt ra là thời gian và mức đóng góp.

Các quan chức Nhật Bản cho rằng trong khi việc cho ra đời quỹ mới là tính hiệu tích cực, thì mức trần tham vọng hơn có thể cần thiết khi châu Âu không mấy thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư bên ngoài cho quỹ EFSF.

"Các nước châu Âu có thể nghĩ rằng họ đã quyết định một bước tiến quan trọng nhưng thị trường muốn châu Âu hành động quyết liệt hơn nữa."

Nhật Bản, Mỹ, Canada và nhiều nước khác đã bày tỏ sự thất vọng của họ với tiến trình tại châu Âu và liên tục kêu gọi các bước tiến mạnh mẽ hơn để tạo ra tường lửa bảo vệ các nền kinh tế nợ nần và yếu hơn trong khu vực đồng euro.

Một quan chức Nhật Bản khác tái khẳng định rằng Tokyo để ngỏ khả năng đóng góp nhiều hơn nhưng quyết định còn tùy thuộc vào hành động của châu Âu.

Các quan chức tại Tokyo nói rằng thị trường cần thấy cả hai biện pháp phòng thủ hiệu quả là có đủ tiền để trang trải cho các nhu cầu tài chính của các nước khủng hoảng và các cam kết kỷ luật tài khóa. "Quy định tài khóa là rất quan trọng. Ngay cả khi chúng ta có tường lửa bảo vệ thì cũng cần duy trì các quy định tài khóa," quan chức nói.

Theo Vinacorp

Các tin cũ hơn